Thanh trà là một trong những đặc sản trái cây ở miền Tây. Trái thanh trà chín mọng, màu cam tươi nhìn khá hấp dẫn. Đặc biệt, đến mùa thanh trà, khi chạy xe dọc các quốc lộ hay các đoạn đường dưới chân cầu Cần Thơ hay cầu Mỹ Thuận. Hãy cùng tìm hiểu về những đặc điểm cơ bản của thanh trà miền Tây nhé!
Nguồn gốc thanh trà
Thanh trà ngày nay được trồng rất nhiều ở Vĩnh Long, đây được xem là xứ sở thanh trà. Tuy vậy, nhiều người không biết rằng ban đầu, thanh trà được trồng ở Phú Quốc và núi Sam (Châu Đốc, An Giang).
Sau này, từ những thập niên 1970s, loại trái này được đem đến Vĩnh Long. Và với thổ nhưỡng vùng đất phù sa màu mỡ, trái thanh trà bừng nở nhiều nơi và biến nơi đây thành vùng đất thanh trà.
Thanh trà miền Tây hoàn toàn khác với bưởi của Huế. Vì Ở Huế, giống bưởi còn gọi là thanh trà!
Tên tiếng anh Thanh Trà miền Tây là Plango – Sự ghép nhau giữa Mango (xoài) và Plum (mận). Tên gọi này bắt nguồn từ Thái Lan, đất nước trồng và xuất khẩu loại trái cây này sang nhiều nước khác nhau, đặc biệt là châu Âu.
Thanh trà bao gồm mấy loại và có hương vị ra sao?
Thanh trà có hương thơm thoang thoảng, ăn vào có vị chua ngọt đặc trưng. Điều đặc biệt, tương tự me, chanh hay các trái có vị chua; nếu bạn đã ăn nhiều thanh trà, khi nghe tên sẽ ứa nước bọt. Nhìn từ xa, những trái thanh trà như các quả trứng gà ta vàng nho nhỏ.
Trái thanh trà có 2 loại:
- Thanh trà ngọt: loại này có màu vàng đậm, vỏ cứng. Khi ăn có vị ngọt và hơi chát.
- Thanh trà chua: loại này có màu vàng nhạt, vỏ mềm. Khi ăn có vị chua và chát nhiều hơn.
Cách dùng thanh trà miền Tây
Thanh trà có 2 cách ăn là ăn sống hoặc chế biến riêng.
Ăn sống thanh trà như thế nào là đúng?
Khi ăn thanh trà sống, bạn phải nắn và xoa đều tay cho vỏ trái mềm ra rồi lột bỏ vỏ ăn. Ngoài ra, với trái sống, bạn có thể chấm muối ớt hay muối Tây Ninh rồi ăn cả vỏ. Vị sần sần hòa cùng vị chua và mặn của muối; khi ăn, bạn sẽ phải nhăn cả mặt, kích thích tuyến nước bọt cùng hòa quyện hương vị.
Pha chế thanh trà miền tây để uống
Nếu muốn có một ly nước giải khát thì sau khi vò trái cho mềm đều, cho trái vào ly với chút muối cùng một lượng đường cát trắng. Dùng muỗm dầm cho trái hòa cùng nước và muối, đường, xong mới cho chút nước lạnh vào, khuấy đều. Nước đá bào hoặc nước đá đập nhuyễn cho vào ly là đã có một thứ nước giải khát ngon tuyệt giữa trời trưa nắng gắt.
Lưu ý: Thanh trà có vị chua nên các bạn có bao tử yếu thì nên cẩn thận khi dùng nhé!
Cách làm thanh trà ngâm đường
Ngâm thanh trà trong nước mũi pha loãng từ 30-60 phút, để ráo nước.
Sau đó để đầy hủ thủy tinh, bỏ đường vào (Mẹo để đậm đà hơn: dùng dao khứa nhẹ vào thanh trà một vài đường).
Đậy kín hũ 10 – 15 ngày là có thể sử dụng tương tự như chanh muối. Nếu hơn 15 ngày, bạn cần để trong tủ lạnh để bảo quản lâu hơn.
Mức giá thanh trà miền Tây
Thanh trà có nhiều loại giống và mức giá khác nhau. Tuy vậy, thông thường mỗi vụ mùa đến, có rất nhiều gánh hàng rong bán dọc theo quốc lộ ở Vĩnh Long. Thông thường giá khoảng từ 20.000đ/kg – 70.000đ/kg. Giá sẽ tùy vào vụ mùa và thị trường. Riêng các thanh trà “thái” ở các siêu thị lớn giá từ 150.000đ/kg – 200.000đ/kg.
Thanh trà chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng cao, giàu khoáng chất như canxi, phốt pho và sắt; các Vitamin B1, B3, Vitamin C và beta-carotene,… cùng các thành phần dinh dưỡng khác
Mùa vụ thanh trà từ tháng mấy?
Mùa thanh trà miền Tây bắt đầu từ tháng 1 âm lịch đến tháng 3 âm lịch.
Thanh trà trồng từ hạt phải mất 10 năm, trồng chiết cành mất 3-5 năm để cho trái. Mỗi năm có 1 mùa vụ và cho khoảng 500-700 trái.
Tìm hiểu thêm về: Các đặc sản miền Tây.