Chùa Long An Cần Thơ còn có tên là chùa Ông Một. Ngôi chùa hơn 90 năm tuổi này nằm gần khu vực chợ nổi Cái Răng. Nó là ngôi chùa có khuôn viên rộng, kiến trúc chùa theo hướng Bắc Tông nổi bật. Chùa có 1 tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao lớn trong khuôn viên khá linh thiêng. Đặc biệt, chùa còn là nơi nuôi dưỡng những người khó khăn, neo đơn nhiều năm liền. Đây cũng là mô hình thí điểm giữa phật tử và chùa trong việc bảo vệ môi trường ở Cần Thơ.

Bảng hiệu chùa Long An Cần Thơ
Bảng hiệu chùa Long An Cần Thơ

Lịch sử chùa Long An (Ông Một)

Năm 1927, chùa được xây dựng bởi Hòa thượng Mười (Tên tục Mười Phí), với tên gọi ban đầu là Linh Đông Tự. Ban đầu chùa được xây bằng tường gạch, mái ngói. Chánh điện rộng 100m2, nhà Hậu tổ rộng 150m2.

Năm 1930, Hòa thượng Thích Thiện Kế đến trụ trì chùa.

Năm 1949, Hòa thượng Thích Thiện Kế viên tịch. Sau thời gian này chùa vẫn hoạt động nhưng không có 1 vị trụ trì chính thức.

Mãi đến năm 1970 chùa mới chính thức đón Hòa thượng Thích Thượng Châu (tên thường gọi là ông Đạo Lành) về làm trụ trì chùa. Lúc này chùa mới chính thức đổi tên thành chùa Long An như ngày nay. Hòa thượng Thích Thượng Châu cũng cho đại tu nhiều công trình khác nhau tại chùa so với trước đó.

Năm 1985 Hòa thượng Thích Thượng Châu viên tịch, Hòa thượng Thích Thiện Thông được bổ nhiệm làm trụ trì chùa cho đến ngày nay. Hiện người là Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – thành phố Cần Thơ, kiêm Trưởng ban nghi lễ, kiêm Chánh Ban đại diện Phật giáo quận Cái Răng.

Xem thêm về Thượng Tọa Thích Thiện Châu: Vị sư hơn 30 năm chăm sóc người khó khăn.

Năm 1989 chùa trùng tu nhà Hậu thổ.

Năm 1999 xây dựng Chánh điện mới trên diện tích 324m2 với kinh phí 1,2 tỷ đồng (Khá lớn vào lúc đó).

Năm 2008 chùa xây dựng tượng Quan Âm Bồ Tát lộ thiện lớn trong khuôn viên chùa.

Kiến trúc chùa Ông Một (Long An) Cần Thơ

Diện tích: 5000m2.

Cổng chùa

Cổng chùa là cổng tam quan. Màu sắc chủ đạo là trắng, đen và xám. Bảng hiệu ở giữa đề tên CHÙA LONG AN, ở trên là hàng chữ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, ở dưới là địa chỉ chùa. Bốn câu đối chữ Hán đề trước 4 cột trụ của cổng. 2 cổng phù đề chữ Từ bi và Trí tuệ bằng chữ Hán.

Mái cổng là mái ngói âm dương. Ở trên đỉnh cổng chính điêu khắc hình tượng lưỡng long tranh châu, 2 bên bìa có điêu khắc hình đóa sen. Ở giữa là biểu tượng Bánh xe pháp luân. Hai bên mái cổng phụ cũng là mái ngói âm dương và điêu khắc 1 hình rồng cùng với sen.

Khuôn viên ngoài

Bên tay trái cổng là 1 Miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương. Miếu cao khoảng 2m. Kiến trúc màu sắc trắng xám và đen, mái ngói âm dương và có hình lưỡng long tranh châu trên mái, tương tự cổng chùa. Bên trong có 3 gian thờ khác nhau. Hai gian thờ mẫu và 1 gian thờ 1 số tượng Phật.

Cạnh bên là một tháp mộ 3 tầng của 1 vị trù trì trước đây của chùa. Đi thẳng vào bên trong còn có những tháp mộ khác. Những tháp mộ này có kiến trúc rất giống tháp mộ ở Hội Linh Cổ Tự.

Xem thêm: Hội Linh Cổ Tự Cần Thơ.

Cạnh tháp mộ bên trong và chánh điện là một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cỡ lớn khoảng 5m, đặt trên bệ sen khoảng 3m. Bên phải đặt 1 bia tự ghi Chú Đại Bi. Phía trước có một lư hương cỡ vừa.

Xung quanh khá nhiều cây xanh và băng ghế đá để nghỉ ngơi.

Chánh điện

Chánh điện thể hiện rõ kiến trúc của hệ phái Bắc Tông Việt Nam. Nó là sự giao hòa giữa kiến trúc Việt và ảnh hưởng của Trung Quốc. Chánh điện được xây theo kiến trúc chữ Đinh.

Mái ngói

Mái ngói 2 tầng và được lớp ngói âm dương màu nâu. Ở giữa 2 lớp mái là bảng hiệu tên chùa bằng chữ Hán. Hai bên là hình khắc nổi của nhiều đóa hoa sen. Tầng mái trên có khắc hình tượng lưỡng long tranh châu ở giữa, trái châu được cách điệu từ hình tượng bánh xe pháp luân. Cạnh bên có điêu khắc hình tượng Long Quy. Cuối 2 góc có khắc hình rồng.

Mái dưới có khắc hình Lân, 2 góc cuối điêu khắc hình Phụng.

Kiến trúc bên ngoài

Chánh điện xây cao khoảng nửa mét so với mặt đấy, điều dễ dàng thấy ở các chùa miền Tây khi xây dựng (chống ngập). Hai bên thành lan can là hình rồng uốn lượn. Điều thú vị đây là 2 con rồng phương Nam của nhà Lý. Phía trước có 2 thanh đăng dùng để thắp sáng vào buổi tối.

Trên bậc thềm là tượng Di Lặc cao bằng người thật và 1 lư hương phía trước. Hai bên cột trước cổng vào có dán 2 câu đối chữ Hán màu vàng nền đen. Xung quanh là khung gỗ khắc hình rồng.

Kiến trúc bên trong chánh điện

Bên trong là Đại Hùng Bửu Điện. Nóc điện thờ được bao phủ bởi bức hoành phí sơn son thếp vàng. Ở giữa là một bảng hiệu nền vàng chữ đỏ bằng tiếng Hán Đại Hùng Bửu Điện. Ở trên bảng hiệu đặt 1 tượng A Di Đà Phật. Hai bên cột đề 2 câu chữ Hán.

Bàn thờ tam cấp. Cấp cao nhất là tượng Tam Thánh Tây Phương: Phật A Di Đà ở giữa, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát. Cấp 2 đặt 2 thanh đăng lớn, hoa quả và 1 vài tượng Phật nhỏ khác. Cấp 3 đặt tượng 2 vị Hộ Pháp (Vi đà và Tiêu diện), hoa quả và nhiều thanh đăng nhỏ hơn. Phía trước bàn thờ còn đặt 1 tượng Phật A Di Đà tư thế đứng cao bằng người thật và 1 lư hương lớn.

Bên phải điện thờ đặt 1 bàn thờ Quan Thánh Đế Quân (Đức Già Lam Thánh Chung Bồ Tát). Bên trái điện thờ đặt 1 bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Ngoài ra hai bên cửa ngoài chánh điện có đặt tượng lớn của 2 vị hộ pháp: Vi Đà Hộ Pháp (Bên phải) và Tiêu Diện Đại Sĩ (Bên trái).

Phía sau chánh điện có 1 bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.

Đi thẳng vào trong là điện thờ Tổ và gian nhà bếp. Bên trong có thờ Phật Chuẩn Đề.

Đối diện tượng Phật Chuẩn Đề là gian thờ Tổ. Bên trong là tượng Tổ Sư Đạt Ma và bài vị của các vị tổ sư đời trước của chùa Ông Một Cần Thơ.

Không gian khác

Bên phải chánh điện còn có dãy phòng ở của trụ trì và các sư khác. Cạnh bên là giảng đường tu tập của đại chúng và những gian nhà là nơi nuôi những người già cơ nhỡ.

Sự kiện lễ hội thường niên của chùa

  • Lễ vía quan âm hàng năm vào các ngày 19/2, 19/6, 19/9.
  • Lễ Vu Lan, Rằm tháng Giêng, Phật Đản, Trung thu và các ngày rằm lớn khác nhau.

Những ngày lễ này chùa đều tổ chức cúng lễ, đãi tiệc chay. Mọi người có thể đến tham dự hoặc tham gia công tác tình nguyện viên tại chùa. Đặc biệt chùa thường xuyên tổ chức các buổi giảng pháp khác nhau.

Ngoài ra, Chùa Long An Cần Thơ cũng là điểm giúp đỡ và nuôi dưỡng những người cỡ nhỡ, người già neo đơn,… Đây cũng là nơi thí điểm việc kết nối giữa Phật tử và Nhà chùa trong các vấn đề bức thiết xã hội: Mô hình thí điểm các chức sắc, tín đồ thực hiện bảo vệ môi trường,…

Địa chỉ chùa

Chùa nằm ở con hẻm cuối đường Võ Tánh (Đường đi dọc theo chợ nổi Cái Răng – nằm ở đường bọc xuống ở cầu Cái Răng). Nó cùng đường với chùa Linh Thạnh. Bạn cứ chạy đến gần cuối đường, sẽ có 1 bảng hiệu khu vực sạt lỡ và quẹo trái vào khoảng 300m là thấy chùa. Đường vào chùa sẽ khó cho xe hơi vì đoạn đường sạt lỡ đó. Tuy vậy bạn cũng có thể đậu xe ở gần đó và đi bộ khoảng 300m vào chùa.

Số điện thoại: +842923847638.

Địa chỉ: 5/5 A Khu Vực Yên Thượng, TP, Lê Bình, Cái Răng, Cần Thơ.

Google Maps: https://goo.gl/maps/G3fZFdfiauNW8gLq5

Đánh giá của khách tham quan về chùa

Bạn Yến Nhi Nguyễn Thị đánh giá 5/5: “Chùa rộng, sạch sẽ, thoáng đẹp, các sư cô và sư thầy trong chùa rất nhiệt tình và dễ thương, thương các sinh viên khi đến đây làm công tác xã hội. Thấy mệt là kêu vào nghỉ, được ăn sáng, uống nước và ăn luôn bữa trưa, công việc phụ giúp tại đây thì cũng nhẹ nhàng không vất vả lắm. Vào các ngày 19/02, 19/06, 19/09 âm lịch hàng năm chùa có tổ chức lễ Vía Quan Âm, mọi người nếu có đi thì nên đi vào buổi chiều cỡ 14-15h để có thể phụ giúp công việc trong chùa và có thể tránh kẹt xe và người vào chùa vì quá đông”.

Bạn Hung Nguyen Quoc đánh giá 5/5: “Chua rat dep. Rong rai. Men khach. ..hay den vieng Chua nay nhe!”

Đánh giá khách tham quan chùa Ông Môt (Long An) Cần Thơ
Đánh giá khách tham quan chùa Ông Môt (Long An) Cần Thơ

Những ngôi chùa nổi tiếng khác tại Cần Thơ: