Đặc sản miền Tây với những món ăn ngon đậm chất địa phương. Đó là ẩm thực hội tụ tinh hoa và lâu đời của người dân miền Tây. Những món ăn được hình thành từ nét văn hóa sinh hoạt lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc khác nhau như Hoa, Chăm, Khmer, Kinh,… Hãy cùng miền Tây có gì điểm qua những món ăn đặc sản miền Tây nhé!
1Lẩu mắm miền Tây
Lẩu mắm miền Tây mang đậm chất hương vị mà những người con khó lòng quên được. Đặc biệt những ngày mưa, ăn lẩu mắm thêm 1 vài ly rượu đế cay nồng là vô cùng tuyệt vời. Nước dùng là 1 màu nâu đặc trưng bởi những loại mắm nấu cùng (Thường người ta sử dụng mắm cá sặc là nhiều, đặc biệt phải là mắm mua từ xứ Châu Đốc, An Giang về). Nước sánh lại thêm nhờ thêm món tỏi băm và sả, hương thơm và vị cay cay đặc trưng của sả và tỏi vô cùng hoàn hảo khi kết hợp cùng món mắm.
Bên trong còn cho thêm cá thịt heo ba chỉ, tôm, mực và các loại cá như cá linh, cá ba sa,… Đặc biệt, thứ không thể thiếu là các loại rau vườn đi kèm như bạc hà, thèo lèo, rau muống, rau nhút,…. Đôi khi có hàng chục loại rau làm ta choáng ngợp khi ăn lẩu mắm ở miền Tây.
2Bánh xèo Nam bộ
Bánh xèo Nam bộ là một món ăn đặc sản miền Tây khá nổi tiếng ở trong và cả ngoài nước. Nó nhiều lần được xem là 1 món ăn đại diện Việt Nam ở nhiều cuộc thi quốc tế. Món bánh vàng vàng có nguyên liệu chính từ bột gạo, nước cốt dừa làm nhân bên ngoài. Bên trong là đậu xanh, giá, củ sắn, củ hủ dừa, tôm, thịt heo bằm, thịt bò bằm,… Một số nơi còn biến tấu với nấm kim châm, thịt ếch bằm, thịt vịt bằm bên trong. Bên ngoài là lớp bột vàng chiên mỏng hoặc hơi dày tùy vào nơi bán.
Bánh xèo phải ăn kèm với nước chấm là nước mắm ngọt (Pha chế từ nước tương, nước lọc, chanh, đường, muối,…). Ăn kèm là nhiều loại rau sống khác nhau: xà lách, rau diếp cá, ngò, húng, cải xanh, kim thất, lá vông, đọt xoài, đọt cách, lá lốt, tía tô,… Đặc biệt khi đến An Giang hay các vùng lân cận, nhiều loại rau rừng lạ lẫm sẽ làm bạn bất ngờ.
3Lẩu cua đồng
Cua đồng là món ăn dân dã của nhiều vùng miền khác nhau. Tuy vậy miền Tây là vùng đất được xem là thịnh hành nhiều nhất của món lẩu cua đồng. Cua đồng lấy thịt, băm nhuyễn và bỏ vào nổi lẩu. Nước dùng sẽ có vị ngọt và thơm của cua, người ta còn cho thêm sả và cà chua để có độ chua và thanh. Bên trong lẩu thường cho thêm hải sản như mực, tôm, cá,…
4Lẩu cá linh bông điên điển
Cá linh và bông điên điển là đặc sản của miền Tây mùa nước nổi. Khi những con nước lũ về khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch, cá linh theo dòng nước và sinh sản khá nhiều; bông điên điển cũng bắt đầu nở hoa. Hai đặc sản này hòa quyện làm thành món lẩu trứ danh làm xao xuyến bao người.
Cá linh là loại cá giàu dinh dưỡng, cỡ nhỏ khoảng 1 ngón tay. Cá linh ăn có vị béo, ngọt và xương khá mềm; cùng với vị chát chát của bông điên điển thì hợp vô cùng.
5Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo là món đặc sản thú vị của miền Tây. Cá kèo là loại cá thường xuất hiện ở miền Tây và đặc biệt nhiều vào mùa nước nổi. Thịt cá ngọt, day day. Tuy vậy phần đầu thường có vi đắng đắng nhưng béo béo. Nó là nét hấp dẫn khi ai trót lỡ mê ăn cá kèo.
Cá kèo khi ăn phải lựa loại sống, khi nước sôi thì cho cá vào liền và đóng nắp lại ngay. Cá vừa chín sẽ vừa day, ngon; ai thích mềm thì đợi thêm 1 thời gian cho thịt cá rã hơn. Điều thú vị là cá kèo thường nhúng dấm và ăn cùng lá giang (Loại lá đặc trưng của miền Trung) là ngon nhất. Hoặc cá kèo cũng thường được ăn kèm các loại lẩu thập cẩm, lẩu mắm,…
6Cháo cá lóc rau đắng
Cháu cá lóc kèm rau đắng là một trong những thương hiệu bạn sẽ thấy nhiều khi đi dọc các quốc lộ nối các tỉnh miền Tây. Món ăn mang hương vị miền Tây với cá và rau đơn giản nhưng mang lại những hương vị đặc biệt. Gạo được rang sơ trước khi nấu thành cháo, cá lóc phải là loại cá lóc đồng với gừng tẩm ướp loại đi mùi tanh (Tiếc là nếu bạn ăn ở các quán bình thường thì cá lóc đa phần sẽ là cá lóc nuôi, tuy nó sẽ không ngon bằng cá lóc đồng nhưng vẫn khá ổn). Với những người không ăn được món rau đắng, bạn có thể thay thế bằng rau má.
7Cơm tấm Long Xuyên
Món ăn gắng liền với địa danh Long Xuyên An Giang này là 1 đặc sản miền Tây ở đường phố không thể bỏ qua. Ngược dòng thời gian, cơm tấm trước đây chỉ dành cho người lao động nghèo khó. Trên dĩa cơm chỉ là loại cơm tấm nhỏ mà người giàu bỏ ra. Những miếng thịt to lớn trên đó cũng là thịt heo cắt ra nướng lên. Sự đơn giản, ăn đủ no ấy vậy mà trở nên thịnh hành nhiều nơi: Sài Gòn, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An,… Và có cả An Giang.
Tuy vậy ở Long Xuyên, người ta biến tấu nó lên thành một đặc sản thật sự với nhiều khác biệt. Những miếng sườn to thay thế bằng thịt khìa cắt nhỏ ra, người ta lựa chọn phần thịt ba chỉ vừa có thịt, có mỡ và có da. Miếng thịt cắt nhỏ nên ăn không bị ngấy và béo ngọt vô cùng. Kèm theo là trứng khìa được cắt nhỏ ra.
Đặc biệt là phần nước mắm chan vào cơm. Nước mắm của cơm tấm Long Xuyên là loại kẹo lại. Nước mắm được đun kẹo lại khi thắng với đường, nước mắm và nước dừa. Một số quán ăn lâu năm ở Long Xuyên còn sử dụng đường thốt nốt để thắng chung. Cái đặc trưng đặc biệt tạo nên một dĩa cơm tắm tuyệt vời. Cơm tấm Long Xuyên thường ăn kèm dưa leo, dưa chua,…
8Bún mắm
Bún mắm là loại bún có nguồn gốc từ người Khmer Nam bộ. Ban đầu mắm được sử dụng là mắm bù hốc, sau này nó được dùng loại cá sặc (Khá thông dụng ở miền Tây) và cá linh (Có rất nhiều vào mùa nước nổi). Phần nước dùng của bún được lọc từ phần nước của mắm nấu rả ra. Tỷ lệ pha giữa mắm và nước dùng thường là 7/3 hoặc 8/2. Người ta thường cho thêm sả và cà tím để tăng hương vị. Bên trong tô bún thường có thịt heo quay, cá (Cá lóc hoặc cá basa), tép, chả nguội,…
9Bún nước lèo
Tương tự với bún mắm là bún nước lèo. Chúng gần như có cùng xuất xứ, hương vị và công thức nấu ăn. Tuy vậy sự khác biệt giữa bún nước lèo và bún mắm là tỷ lệ mắm trong nước dùng. Bún nước lèo thường có tỷ lệ mắm khoảng 5-5 hoặc 7-3 so với bún mắm là 7/3 hoặc 8/3. Bún nước lèo vì thế có vị thanh hơn so với bún mắm. Ngoài ra đặc trưng khác biệt bún nước lèo là sự biến tấu với sả băm và nước dùng là nước dừa của nó.
Bên trong bún nước lèo vẫn khá giống với bún mắm là cá, thịt heo quay (Hoặc khìa), tép, chả cá,… Ăn kèm thường có hẹ, ngò, giá, rau bắp chuối, rau muống,…
10Bún cá Châu Đốc
Một loại bún có xuất xứ từ người Khmer khác là bún cá Châu Đốc. Một loại bún gắn liền với xứ sở 7 núi Châu Đốc. Nét đậm đà của nước dùng được mang lại từ ngải bún và nghệ tươi. Đặc trưng khác của nó là nguyên liệu bông điên điển tươi bỏ vào. Ăn tô bún vừa có vị ngọt thanh của nước dùng, màu vàng tươi của nghệ và vị chát nhẹ nhẹ của bông điên điển. Ngoài ra nó còn sự kết hợp đặc biệt cùng thịt cá lóc đã được lóc xương.
11Bún nước kèn
Miền Tây có nhiều loại bún thú vị: bún mắm, bún nước lèo, bún cá, bún gỏi dà,… xuất phát từ người Khmer. Bún nước kèn là một trong những loại bún thú vị như thế, đặc biệt là vùng An Giang, Rạch Giá. Nước dùng của bún nước kèn tương tự vị cà ri và bún cá. Cả 2 là sự hòa quyện tuyệt vời cho bún nước kèn.
Bên trong tô bún kèn An Giang còn có cá lóc đã lóc xương, đậu phộng, tôm khô và 1 số loại rau khác nhau. Riêng xứ sở Kiên Giang thì tận dụng cá biển và đu đủ, họ bào nhuyễn chúng ra rồi bỏ cùng vào tô bún.
12Bún gỏi dà
Bún gỏi dà là đặc sản khá thú vị của Sóc Trăng. Nó là loại bún được biến tấu từ món ăn nổi tiếng “gỏi cuốn” của chúng ta. Món bún bỏ cuốn ra, thêm 1 chút nước dùng (Nước dùng khá ít). Nước dùng được đổi thay từ món nước mắm me của gỏi cuốn, vị chua từ me và ngọt của tương hột là nét đặc trưng. Bên trong đều có đủ các nguyên liệu cơ bản của gỏi cuốn: thịt luộc, tép, bún, rau,…
13Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Mỹ Tho là thương hiệu được chứng nhận thương hiệu Việt và là món ăn đặc sản nổi tiếng vùng đất Mỹ Tho, Tiền Giang. Hủ tiếu Mỹ Tho có thành phần cũng khá giống như các loại hủ tiếu khác với sợi bánh, tôm, thịt và rau. Tuy vậy sự khác biệt làm nên sự đặc biệt của nó là sợi hủ tiếu. Sợi hủ tiếu Mỹ Tho to và trong, ăn vào sẽ cảm nhận thành phần gạo khá nhiều. Tuy vậy sợi bún không bị bở mà dai dai, không có mùi chua. Nước dùng của hủ tiếu Mỹ Tho khá giống hủ tiếu Nam Vang ở độ trong. Nó cũng được xem là 1 món ăn tương tự hủ tiếu Nam Vang phong cách Việt.
14Đuông đuông dừa
Món ăn quý hiếm mà ngày xưa được miền Tây triều cống cho triều đình hàng năm. Đuông đuông có nhiều loại nhưng nổi tiếng nhất là đuông đuông dừa. Muốn nuôi loại đuông này, người ta phải hy sinh cả 1 cây dừa để khai thác chúng. Những ấu trúng đuông đuông béo múp míp, béo ngọt từng là đặc sản đệ nhất Nam bộ.
Món ăn này có nhiều cách chế biến khác nhau như chiên bột, chiên giòn, nướng, hấp,… Tuy vậy người ta vẫn thường thích ăn sống cùng nước mắm. Nhìn dĩa nước mắm với nhiều con đuông đuông ngọe nguậy béo múp (Nhìn hơi ghê ghê, nhưng khi ăn lại ngon vô cùng).
15Canh chua cá bông lau
Vùng Phú Tân – An Giang là nơi nối liền sông Tiền và sông Hậu. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi khung cảnh hữu tính, những truyền thuyết thú vị mà còn nổi tiếng với loài cá bông lau. Cá bông lau còn có tên gọi là cá dứa. Nhìn bề ngoài cá bông lau có phần giống cá tra, tuy vậy phần lưng, vây và đầu có phần khác biệt. Loại cá này thường nấu món canh chua hay lẩu chua là tuyệt vời nhất. Thịt cá ngon ngọt, mỡ cá không quá bở như cá tra, một sự kết hợp khá tuyệt vời.
16Bò giá tréo
Bò giá tréo là món ăn đặc sản đặc sắc của xứ sở Sóc Trăng. Bò phải là loại bò tơ vừa lú sừng, cạo lông cho thật sạch rồi treo lên giá tréo. Dưới dàng giá bắt tréo hình chữ X là than nướng rực lửa. Tương tự món heo quay, hơi nóng thổi lên làm da bò nở ra cứng cứng giòn giòn.
Thịt bò giá tréo là thịt tái (Chưa chín hoàn toàn) nên chúng thường được tưới 1 lớp chanh và tiêu lên bên trên. Khi ăn kèm với chuối sống, rau sống. Nước chấm món này cũng khá đặc biệt. Món nước chấm được làm từ mắm nêm từ mắm cá cơm trộn với khóm bằm nhuyễn.
17Bánh ống Sóc Trăng
Bánh ống là loại bánh xuất xứ từ người Khmer Nam bộ, nó còn có tên là Om Chiel hay thường goi là bánh rây. Bánh được làm từ các nguyên liệu đơn giản của dân gian như gạo, nếp, dứa. Gạo để làm bánh phải được trộn với tỷ lệ nhất định từ 2 loại gạo là gạo Tài Nguyên và gạo Thơm. Sau khi ngâm vài tiếng và trộn với nhau, chúng sẽ được ngâm với lá dứa để tăng mùi thơm và màu xanh của dứa rồi mới được xay thành bột.
Bánh được đổ vào các khuôn hình ống (Nên bánh được gọi là bánh ống). Loại bánh này thỉnh thoảng vẫn được 1 số xe ngoài đường phố rao bán, tuy vậy hiện nay nó đang dần bị mai một đi khá nhiều.
18Bánh giá chợ Giồng
Bánh giá là loại bánh mộc mạc, đơn giản gắn liền với khu chợ Giồng, Tiền Giang. Bên ngoài là lớp bột gạo được chiên giòn lên, bên trong có các loại nguyên liệu như tôm, đậu nành xay, gan heo, trứng gà và đặc biệt là giá sống được tẩm ướp qua gia vị. Bánh giá có thể ăn kèm các loại như bánh ướt, bánh mì hay đơn giản là các loại rau sống như dưa leo, xà lách. Nhâm nhi bánh này cùng nước mắm pha là ngon nhất.
Đặc sản miền Tây luôn có sức hút lạ kỳ với khách du lịch. Nó thể hiện nét dân dã và quen thuộc qua nguyên liệu dễ tìm, cách nấu ăn không cầu kỳ. Khi có dịp ghé đến miền Tây, hãy thử thưởng thức những đặc sản vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long này nhé!
Miền Tây cũng có nhiều điều thú vị khác chờ bạn khám phá: Ý nghĩa thú vị của các địa danh miền Tây.