Chùa Dơi Sóc Trăng nổi tiếng với hàng nghìn con dơi trong khuôn viên chùa. Đặc biệt hơn là những câu truyện mang hướng liêu trai độc đáo về heo 5 móng. Bên cạnh đó là nét kiến trúc, văn hóa đặc trưng của người Khmer. Vừa mang nét văn hóa truyền thống lại vừa mang nét đẹp riêng độc đáo. Dần biến chùa Dơi trở thành điểm check in không thể không nhắc đến khi du lịch Sóc Trăng.
Chuyện heo 5 móng
Người Khmer rất sợ việc nhà mình có heo 5 móng, 3 giò. Họ cho rằng những người làm điều rất tệ thì kiếp sao đầu thai thành những con vật kỳ dị như thế. Bởi vậy khi nó sinh sống ở nhà gia chủ nào thì chỗ đó sẽ gặp xui xẻo. Nhưng mà giết những con vật đó thì trong nhà còn gặp nhiều tai ương hơn nữa. Từ đó giữ thì khó mà giết bỏ cũng không được.
Đặc biệt khi đến chùa Dơi thỉnh thoảng bạn sẽ gặp những con heo 5 móng nuôi nhốt ở một góc nào đó. Hoặc đặc biệt hơn là sâu trong khuôn viên chùa là những ngôi mộ heo 5 móng lạ kỳ. Hãy cùng tìm hiểu về những truyền thuyết heo 5 móng ở đây nhé!
Câu chuyện vị tướng hóa thân thành heo
Truyền thuyết xưa kể rằng có 1 người tài được vua phong chức thừa tướng để giúp đỡ dân lành và trừng trị kẻ tham lam. Tuy vậy khi được phong chức, thừa tướng sinh ra tự mãn. Ông trở thành một vị tham quan hống hách, tìm mọi cách đàn áp người dân chống đối mình. Nhưng cuối cùng ông cũng bị trừng phạt và chém đầu.
Sau khi chết ông hóa thân thành một con heo 5 móng. Biết được đây là vị thừa tướng hóa thân thành, heo đi đến đâu là người dân dùng gậy gộc đánh đập xua đuổi đến đó. May mắn có một vị sư thấy tình cảnh đó mới bảo rằng chú heo này có nghiệp rất nặng, cần phải vào chùa thanh tẩy. Vì trước đây nó là người nên mọi người phải đối xử ngang hàng và tốt với nó. Sau một thời gian, heo chết đi. Các vị sư ở đây không xẻ thịt mà chôn cất lập mộ bia cho nó như một người bình thường.
Câu chuyện về ngôi mộ heo 5 móng đầu tiên tại chùa Dơi
Chùa Dơi có nhiều ngôi mộ heo 5 móng khác nhau. Tuy vậy vị sư Tú Linh của ngôi chùa Dơi nói rằng ngôi mộ đặc biệt nhất là ngôi một được xây dựng đầu tiên vào năm 1989. Và nó có một câu chuyện vô cùng đặc biệt.
Khi ấy chùa còn hoang sơ với nhiều cây bao bọc. Lúc ấy một bà cụ tên Khiên thường hay ở chùa dọn dẹp, cắt cỏ xung quanh chùa. Một hôm khi đang ngủ trong chùa, bà Khiên mơ thấy Bồ Tát hiển linh. Bồ tát bảo với bà là hôm sau sẽ có một vị nữ thí chủ đến chùa xin quy y.
Nghĩ rằng đây là một vị thí chủ đặc biệt nên Bồ Tát mới hiển linh nói cho bà biết. Nên bà Khiên thức sớm, dọn dẹp sạch sẽ ngôi chùa chờ đón vị thí chủ ấy. Sau đó bà Khiên đợi mãi ở chùa từ sáng đến chiều nhưng vẫn không thấy hình bóng vị “nữ thí chủ”.
Nghĩ rằng có lẽ đó chỉ là giấc mơ, bà thất vọng dọn dẹp cỏ xung quanh chùa như thường lệ. Trong lúc dọn dẹp cỏ thì bà bất ngờ gặp một chú heo cái 5 móng đang ngủ ngon lành. Bà Khiên bất ngờ, bà cầm chổi chọt vào con heo, la hét đủ trò mà con heo không chịu đi.
Lúc ấy có một vị khách chợt nhớ ra điều gì và nói rằng: “Đây là heo 5 móng bà ơi, heo này thiêng lắm. Chắc con heo này có duyên với chùa, không muốn rời đi”. Bà khiên bất ngờ và xem kỹ lại thì biết đây là một chú heo cái với 5 móng ở chân. Ngỡ ngàng giây lát, bà chợt hiểu ra rằng đây là vị “nữ thí chủ” mà Bồ Tát đã nhắc đến trong giấc mơ.
Bà Khiên không xua đuổi cô heo này nữa. Dùng nước rửa trần cho cô heo và xem nó như một người tu học tại chùa. Sau đó nhà chùa đặt biệt danh cho cô heo này là Năm Hợi. Cô heo Năm Hợi rất đặc biệt và khôn như người vậy. Sáng Năm Hợi đi dạo quanh chùa, tối thì tự về chuồng của mình mà ngủ. Năm Hợi hay giúp ít cho bà Khiên, nhờ thân hình đồ sộ mà san ủi những cỏ dạy hay mọc hoang.
Năm Hợi cũng ăn ngọ như các sư trong chùa. Tức là ăn trước 12h trưa và nhịn ăn trong thời gian còn lại của ngày. Tuy vậy thân hình cô heo cứ lớn bổng lên khổng lồ gấp 2-3 lần những con heo thường. Đúng 7 năm sau thời gian đến chùa, Năm Hợi chui vào một góc và “hóa” với một khuôn mặt thanh thản.
Và những lời đồn đại khác về Năm Hợi
Câu chuyện heo Năm Hợi còn có thêm nhiều dị bản khác. Chẳng hạn câu chuyện sau khi Năm Hợi mất đi và được chôn trong khuôn viên vườn chùa Dơi. Lúc ấy người con của Năm Hợi của kiếp trước được báo mộng. Giấc mộng nói rằng mẹ của họ làm nhiều điều xấu giờ đã chuộc lỗi và được chôn cất tại chùa Dơi.
Những người con nghe tin đã đến và khi đến mộ bia heo 5 móng đã vô cùng xúc động. Họ nói rằng ngày mất của Năm Hợi trùng với ngày mất của mẹ họ. Vì thế họ đã xin dời mộ bia heo về nhà mình.
Một dị bản có ghi chép lại chi tiết câu chuyện đó như sau:
Sau khi Năm Hợi “hóa”, một ngày, có người đàn bà từ thành phố Hồ Chí Minh tìm đến chùa, nước mắt sụt sùi bảo với các nhà sư: “Nhiều lần người mẹ quá cố của con báo mộng rằng, mẹ con hóa kiếp thành heo, tên là Năm Hợi, sống ở chùa Mahatup (chùa Dơi, chùa Mã Tộc ). Con mong các nhà sư cho con được làm lễ cầu hồn để linh hồn mẹ con được siêu thoát”. Nhà chùa đã đồng ý để người phụ nữ này đạt được ước nguyện.
Lễ cầu siêu hoành tráng xong xuôi, thì người phụ nữ này chỉ đạo thợ xây ngôi mộ, vẽ hình một con heo béo tốt lên bia, ghi tên Năm Hợi, với cả ngày “hóa”. Sau lần đó, các chủ gửi heo năm móng, ba giò đến chùa cũng học theo. Khi nào lợn chết, được nhà chùa thông báo, họ đến làm lễ mai táng, rồi xây mồ yên mả đẹp cho heo. Thế là sau ngôi chùa Dơi huyền bí, xuất hiện một nghĩa địa heo rất kỳ lạ như vậy.
Nhưng dù dị bản thế nào thì với người Khmer, khi trong nhà có heo 5 móng hay 3 giò thì đều cho rằng là điềm chẳng lành. Họ sẽ đem cúng chú heo ấy vào chùa hoặc lén lút quăng vào khuôn viên chùa. Vì thế sau này nhiều chùa Khmer có hình bóng các chú heo kỳ lạ. Riêng chùa Dơi đã có rất nhiều ngôi mộ heo 5 móng.
Câu chuyện gặp quả báo vì giết heo 5 móng
Heo 5 móng là con vật nhiều điều gỡ, vì vậy nhiều người dân kiêng kỵ không dám giết mổ chúng. Tuy vậy cũng có những câu chuyện hi hữu. Chuyện kể rằng từng có người bán một con heo 5 móng với giá rẻ cho lò mổ. Người dân bản địa ai nghe qua cũng sợ và không dám nhận mổ con heo ấy.
Lúc ấy có người từ miền Bắc vào lập nghiệp, nghe qua thì cười bảo là mê tín. Vì thế ông bèn mua con heo đó, mổ thịt và đem đi bán. Ngay trong ngày hôm ấy khi chạy xe trên đường về nhà, ông tự té và qua đời. Từ đó người dân càng tin vào điềm gỡ về heo 5 móng hơn.
Lưu ý: Những câu chuyện ở trên mang nhiều yếu tố dân gian và đồn thổi. Những câu chuyện này do mình được nghe qua nhưng không có nguồn dẫn chứng để chứng thực.
Những con dơi thành tinh và sự thật
Ngôi chùa có tên thật là Ma-ha-túp nhưng nhiều người vẫn hay gọi đây là chùa Dơi nhiều hơn. Sở dĩ như vậy là vì bên trong từng là nơi cư ngụ hàng vạn con dơi khác nhau. Tuy vậy do đánh bắt quá nhiều nên trong khuôn viên chùa chỉ còn lại chưa đến 1000 con.
Dơi ở chùa là loài dơi ngựa với 2 nguồn gốc chính: dơi ngựa Thái Lan và dơi ngựa lớn. Cánh của chúng khi bung cực đại lên đến 1m – 1,5m. Cân nặng mỗi con từ 500gr đến 1,5kg. Tốc độ bay tối đa lên đến gần 60km/h. Những con dơi này có trong sách đỏ Việt Nam cần bảo vệ.
Lời đồn dơi thành tinh vô căn cứ
Có nhiều người bảo rằng những con dơi trong chùa tu hành lâu năm và có con thành tinh ăn thịt người. Tuy vậy đó đều là những lời đồn không đúng sự thật. Sư trù trì chùa dơi Kim Renne nói rằng đó đều là những lời đồn sai, những chú dơi ở đây luôn yêu thích yên tĩnh và chỉ ăn rau quả.
Đúng thật là như vậy, đặc tính của loài dơi ngựa là chỉ ăn trái cây mà thôi. Buổi chiều tầm 4-5h chúng bay ra khỏi khuôn viên chùa và kiếm ăn nơi xa. Sau đó gần sáng thì về lại chùa. Loài dơi này khá đặc biệt là quen với tiếng ồn của người và tiếng tụng kinh gõ mỏ ở chùa.
Điều lạ là những con dơi này như có một linh tính riêng. Vì khi bay kiếm ăn hay đi về chúng thường bay vòng qua chánh điện chứ không bay thẳng qua, như tỏ vẻ lòng thành kính đến đức Phật.
Dơi là phúc lành lớn
Có thể bạn không biết nhưng theo truyền thuyết Trung Quốc thì dơi là một trong tứ linh. Đặc biệt với những người thương gia thì Long Lân Bức Phụng là 4 con vật linh thiêng nhất. Qui là rùa quá chậm chạp, không thích hợp với người làm ăn. Bức là chỉ loài dơi.
Khi dơi treo ngược thân lên dáng của chúng như hình chữ Phúc. Khi dơi bay vào nhà chữ Phúc ngược lại thì người ta xem như *phúc đáo* – tức phúc đến nhà. Từ đó loài dơi xem là một điềm lành quan trọng của người xưa.
Từng có lúc dơi ở chùa Dơi được thuần dưỡng như những người bạn tại chùa. Chùa Dơi từng có vị trụ trí đem cả dơi vào ở chung trong phòng. Hàng ngày chúng nghe trụ trì tụng kinh gõ mỏ, tối đến thì đi tìm thức ăn.
Lịch sử chùa Dơi
Chùa dơi được xây dựng vào năm 1569. Sau nhiều biến cố thì đến nay nó đã có lịch sử 450 năm.
Năm 1960 chùa được trùng tu sửa chữa quy mô lớn và đến năm 2009 chùa được trùng tu toàn bộ chánh điện sau 1 tai nạn gây hỏa hoạn tại đây.
Năm 1999 chùa Dơi được công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia.
Ban đầu chùa có tên là Serây tê chô mahatúp. Mahatúp có nghĩa là một trận kháng cự lớn. Trước đây nông dân khu vực này thường vị chính quyền và địa chủ đàn áp rất cơ cực. Một ngôi chùa Khmer luôn là một chỗ dựa cực lớn dành cho những người dân tại đây. Nơi đây trở thành nơi tập kết và chỗ dựa tinh thần, tâm linh cực lớn cho những người dân lúc bấy giờ. Từ đó Mahatúp trở thành cái tên cho ngôi chùa này.
Tuy vậy người dân thường nhắc đến ngôi chùa này với cái tên chùa Dơi hơn. Vì trong khuôn viên chùa khá nổi tiếng với hàng nghìn con dơi sinh sống. Chúng treo ngược cơ thể bao phủ khắp các cành cây cao.
Giá trị Khmer của chùa Dơi
Chùa Dơi mang nét kiến trúc Khmer đậm nét và đặc biệt mang giá trị tinh thần to lớn trong cộng đồng người Khmer tại Sóc Trăng.
Kiến trúc
Kiến trúc của chùa mang đậm nét của người Khmer và Campuchua. Đặc biệt là những công trình nhìn khá giống đền Angkor ở Campuchia.
Tổng thể kiến trúc chùa bao gồm: Chánh điện, Sala, phòng các thầy sư và phòng tín đồ, phòng trụ trì, phòng các vị sư khác, phòng khách, tháp để tro cốt người, nghĩa địa, hồ nước và cả một khu vườn lớn.
Khi bước vào cổng chùa Dơi bạn sẽ bị ấn tượng ngay trước cổng chùa. Một màu sắc sặc sở kết hợp giữa màu đỏ và vàng. Một tông màu chủ đạo ấn tượng và tươi sáng.
Chánh điện với hoa văn đặc trưng được khắc lên nền ngói. Mái ngói có nhiều đoạn vút cao với biểu tượng hình rắn naga, đỉnh mái ở giữa là tháp nhọn. Xung quanh chánh điện là các cột hình tiên nữ Kemmar chấp hai tay trước ngực.
Bên trong chánh điện là pho tượng Thích Ca lớn khoảng 2m, xung quanh là nhiều tượng Thích Ca nhỏ hơn với đủ tư thế như ngồi, nằm, đứng,… Trên bức tường bên trong chánh điện là những hình vẽ về cuộc đời đức Phật trải qua từ khi sinh ra đến lúc niết bàn.
Khuôn viên chùa cũng nhiều bảo tháp, mộ phần khác nhau. Từ những mộ phần người đóng góp cho chùa, đến những mộ phần heo 5 móng. Hay những bảo tháp là nơi chứa tro cốt của nhiều đời trụ trị chùa Dơi trước đây.
Đối diện chánh điện là khu nhà Sala. Nơi đây là nơi tu học của các sư khác nhau. Nhưng hiện đang bày trí tượng thờ Phật Thích Ca ngồi và nằm. Đây cũng là nơi để tạm một số nhạc cụ truyền thống người Khmer.
Đặc biệt gần khu vực vườn cây sinh sống của các chú dơi là một ngôi miếu bà Đen linh thiện. Phía trước miếu là tượng những chú chó canh giữ. Bên trong là tượng của bà Đen với khuôn mặt tô đen và quần áo Bà đặc trưng. Miền Tây Có Gì vẫn chưa rõ lắm tại sao bà Đen – vị thần linh thiêng ở núi tại Tây Ninh lại có một ngôi miếu tại xứ sở miền Tây thế này.
Khuôn viên nhiều cây xanh và có cả một hồ nước nuôi cá (Hiện tại thì không còn nuôi cá). Khá mát mẻ.
Nơi hành đạo nhiều người Khmer
Chùa luôn là một nơi rất linh thiêng với mỗi người Khmer. Mỗi người đều phải đến chùa học tập ít nhất một lần để trả hiếu, học đạo đức và kiến thức. Quan niệm người Khmer là mỗi tài sản cúng dường cho chùa sẽ thành những phần phước đức mà kiếp sau họ sẽ được trả lại.
Chùa Dơi với biểu trưng đặc biệt của mình trở thành nơi hành đạo được nhiều người Khmer tin tưởng. Mỗi ngày lễ hội, nhiều đồ cúng được gửi đến đây. Những người dân tập họp lại luôn rộn ràng tiếng cười. Từ đó chùa Dơi không chỉ trở thành một biểu tượng văn hóa đặc biệt. Mà còn là nơi truyền bá, lưu giữ nét văn hóa Khmer.
Du lịch ở chùa Dơi
Chùa Dơi là điểm du lịch thu hút với giá trị văn hóa cao, cũng như thỏa mãn sự tò mò của nhiều người về những con dơi sống trong khuôn viên chùa. Đến với chùa Dơi bạn sẽ được tham quan khối kiến trúc đậm nét của chùa Khmer. Đặc biệt là những công trình mang dấu ấn riêng đặc biệt chùa Dơi. Khám phá những ngôi mộ kì lạ xung quanh chùa.
Ngoài ra ở chùa Dơi cũng có phục vụ từ ban nhạc cụ truyền thống người Khmer. Những tiếng đàn trống vui tai mang đến những cảm xúc vui tươi khi nghe.
Cảnh quan mát mẻ và khuôn viên cây cối xanh tươi ở đây cũng là điểm cộng. Những cây sao và dầu cao vút. Những lúc trưa nắng vào đây cảm giác sẽ mát mẻ hơn hẳn bên ngoài.
Tại sao nhiều người bán khô ở chùa Dơi
Với người Khmer đa phần tu hành theo hệ phái Nam tông. Những người tu hành không bắt buộc phải ăn chay. Vì thế những người bán khô, những loài động vật bên ngoài không phạm vào cấm kỵ của chùa Khmer hay chùa Dơi.
Những người dân bán hàng là những người Khmer sinh sống khu vực này và sinh hoạt tại chùa Dơi. Vì vậy có thể khá kỳ lạ với những người tu hành ăn chay nhưng hoàn toàn không phạm giới với người Khmer.
Tham khảo thêm ngôi chùa nổi tiếng tại Sóc Trăng: Chùa Đất Sét.
Địa chỉ và cách đi chùa Dơi
Chùa Dơi nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3km. Nằm về phía trường cao đẳng cộng đồng Sóc Trăng và vườn bách thảo Hiền Lâm Minh. Tham khảo thêm Google Maps về cách đi chùa Dơi.
Đến vào trong tham quan bạn phải gửi xe bên ngoài nếu đi xe lớn và đi xe điện vào bên trong chùa. Phí xe điện là 10.000đ/vé khứ hồi. Riêng phí giữ xe máy là khoảng 7.000đ/xe máy.
Địa chỉ: Văn Ngọc Chính, Phường 3, Sóc Trăng, Việt Nam.