Nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ là điểm du lịch tham quan nổi tiếng ở miền Tây. Nó mang nét văn hóa, kiến trúc nổi bậc và là 1 trong 3 ngôi nhà cổ nổi tiếng đại diện văn hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm chụp nhiều bức hình khá lung linh và lộng lẫy. Hãy cùng Miền Tây có gì cùng tìm hiểu xem Nhà cổ Bình Thủy có gì? Kiến trúc, lịch sử và lên lịch trình du lịch các điểm nổi tiếng xung quanh nó.

Nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ
Nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ

Nhà cổ Bình Thủy ở đâu

Nhà cổ Bình Thủy nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km. Bạn có thể đi xe lớn đậu xe trước nhà. Nhà cổ nằm bên trong chợ Bình Thủy và gần UBND phường Bình Thủy. Bạn đi qua cầu Bình Thủy thì quẹo trái vào chợ và đi thẳng khoảng hơn 500m là đến nơi. Tham khảo thêm Google Maps về đường đi.

Địa chỉ: 144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thuỷ, Bình Thủy, Cần Thơ, Việt Nam.

Giá vé tham quan nhà cổ Bình Thủy năm 2020

Giá vé tham quan bên trong nhà cổ Bình Thủy là 15.000đ. Tuy vậy bạn có thể đứng ở bên ngoài tham quan chụp hình miễn phí. Giá vé chỉ tính khi bạn đặt chân vào bên trong nhà. Gửi xe thì miễn phí vì không có người giữ xe.

Bên trong nhà cổ Bình Thủy
Bên trong nhà cổ

Lưu ý: Nhà cổ tuy là di sản quốc gia nhưng thuộc quản lý riêng của chủ nhà họ Dương. Bạn sẽ được yêu cầu đưa 15.000đ khi vào bên trong nhà. Đây không hẳn là giá vé, vì bạn sẽ không nhận được vé tham quan. Mà là tiền trả để xin phép chủ nhà vào tham quan.

Riêng khu vực thờ tự bàn không được chụp ảnh (Phải xin phép chủ nhân ngôi nhà và được sự cho phép mới được chụp).

Khách tham quan chiêm ngưỡng phủ thờ họ Dương
Khách tham quan chiêm ngưỡng phủ thờ họ Dương

Giờ mở cửa nhà cổ Bình Thủy

Giờ mở cửa bên trong nhà cổ Bình Thủy có 2 buổi sáng và chiều.

  • Sáng: 8h00 – 12h00.
  • Chiều 14h00 – 18h00.

Tuy vậy bạn có thể đứng bên ngoài tham quan, khám phá và chụp hình thoải mái vào giờ nghỉ trưa. Giờ mở cửa chỉ tính khu vực bên trong nhà.

Khách du lịch chụp hình cùng nhà cổ Bình Thủy
Khách du lịch chụp hình cùng nhà cổ Bình Thủy

Nhận xét của khách tham quan

Hãy cùng xem những review của nhà cổ Bình Thủy.

Bạn Duy Nguyễn đánh giá 5/5: “Đây là ngôi nhà cổ nhất ở Phường Bình Thủy mang nhiều nét kiến trúc pháp du khách vào tham quan có tính phí.”

Bạn tien1981 ng đánh giá 4/5: “Được cho là ngôi nhà cổ nhất Miền Tây, có kiến trúc khá đặc trưng của vùng đất này. Mặt tiền chụp hình rất đẹp. Chỉ có điều bên trong khá tối, không được chụp hình. Khuôn viên xung quanh đã được tận dụng cho các mục đích khá.”

Bạn Thanh Liêm Lê đánh giá 4/5: “Nhà cổ kín, khá đẹp nhưng ít dịch vụ Thu phí tham quan 15k, không giữ xe.”

Đánh giá của khách tham quan về nhà cổ Bình Thủy
Đánh giá của khách tham quan về nhà cổ Bình Thủy

Những bức hình đẹp phải chụp

Như mình đã nói, ngoài tìm đến nhà cổ Bình Thủy vì giá trị văn hóa, lịch sử. Thì việc đây là địa điểm chụp hình cực đẹp cũng là điểm thu hút khác. Điểm qua một số hình ảnh đẹp trên Instagram nhé!

Hình ảnh đẹp ở nhà cổ Bình Thủy trên Instagram phần 1
Hình ảnh đẹp ở nhà cổ Bình Thủy trên Instagram phần 1
Hình ảnh đẹp ở nhà cổ Bình Thủy trên Instagram phần 2
Hình ảnh đẹp ở nhà cổ Bình Thủy trên Instagram phần 2

Lịch trình tham quan nhà cổ Bình Thủy tự túc

Ngoài nhà cổ Bình Thủy thì những địa điểm lân cận cũng có khá nhiều điểm tham quan thú vị. Hãy cùng lên 1 lịch trình hợp lý khám phá tất cả cùng cung đường khi du lịch Cần Thơ nhé!

Một góc phòng nhà cổ Bình Thủy
Một góc phòng nhà cổ Bình Thủy

Khu tam giác 3 địa danh gần bên: Nhà cổ Bình Thủy – Đình Bình Thủy – Chùa Nam Nhã.

Gần nhà cổ Bình Thủy là một địa danh khá nổi tiếng Đình Bình Thủy. Nó là địa điểm tham quan khá thú vị với nét kiến trúc đặc trưng. Ngoài ra chùa Nam Nhã là ngôi chùa khá nổi tiếng với kiến trúc gần giống nhà cổ Bình Thủy mà mình từng nhắc đến ở bài viết.

Chánh điện chùa Nam Nhã Bình Thủy Cần Thơ
Chánh điện chùa Nam Nhã Bình Thủy Cần Thơ

Cồn Sơn là địa điểm không thể không nhắc đến khi bạn đã lỡ tiện đường đi nhà cổ Bình Thủy. Nằm cách trung tâm Cần Thơ khoảng 8km nhưng cách nhà cổ chỉ 3km.

Nơi đây là địa điểm du lịch tham quan miệt vườn trái cây, cá lóc bay, làm bánh dân gian đầy thú vị.

Cá lóc bay Cồn Sơn
Cá lóc bay Cồn Sơn

Tìm hiểu tất tần tật review và hướng dẫn du lịch về các địa danh đó:

Ngoài ra còn có review chi tiết về các điểm du lịch Cần Thơ nổi tiếng khác:

Khách tham quan tại nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ
Khách tham quan tại nhà cổ Cần Thơ

Kiến trúc nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ

Diện tích nhà cổ Bình Thủy: 6.000m2.

Nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc của người Hoa, Việt và phương Tây kết hợp. Bên ngoài hàng rào và ngôi nhà chính như một kiến trúc phương Tây cổ điển, nhưng trên mái ngói lợp ngói âm dương và có cổng tam quan vào bên trong nhà.

Cổng nhà cổ Bình Thủy
Cổng nhà cổ Bình Thủy

Khuôn viên bên ngoài nhà cổ Bình Thủy

Đầu tiên là hàng rào bên ngoài là các trụ đá và hàng rào sắt bao quanh. Cổng chính cũng được xây bởi cột bên tông và hàng rào sắt. Tuy vậy để bước vào bên trong nhà chính bạn cần qua một cổng tam quan phụ sau cổng chính. Cổng tam quan chỉ mang ý nghĩa truyền thống của gia đình họ Dương (Chủ nhân của ngôi nhà) chứ không mang ý nghĩa làm cửa chắn ra vào bắt buộc.

Cổng tam quan hướng về phía Đông với 4 cột trụ. Bảng hiệu bên trong đề chữ Phủ Thờ Họ Dương, ngoài ra còn bảng hiệu chữ hoa dịch nghĩa “Phước An Hiệu”.

Bảng hiệu phủ thờ họ Dương
Bảng hiệu phủ thờ họ Dương

Mái ngói lợp ngói âm dương men xanh, tất cả đều có ký hiệu hoa văn bên trên.

Cổng tam quan
Cổng tam quan

Dưới mái ngói là hình ký hiệu 2 con kỳ lân. Bên trên là tượng 2 chú chó giữ nhà ở 2 bên. Trên mái còn có ký hiệu hình vân mây, bình hoa.

Kiến trúc mái của cổng tam quan
Kiến trúc mái của cổng tam quan

Mặt sau là hình 2 con kỳ lân và cá vàng. Riêng 2 mặt bên là hình Lão Tử cưỡi trâu.

Cổng tam quan nhà cổ Bình Thủy
Cổng tam quan nhà cổ Bình Thủy

Bên trong sân của khuôn viên được lót bằng gạch tàu. Trước cửa nhà có một hòn non bộ lớn làm bức bình phong che chắn ngôi nhà. Nó mang ý nghĩa tránh ánh mắt nhòm ngó của người bên ngoài vào thẳng bên trong nhà.

Bên trái tòa nhà nhìn từ ngoài vào có một chỗ nghỉ chân với mái ngói âm dương. Đây có lẽ là nơi nghỉ ngơi để nhìn ra vườn hoa, ao cá và cả đền thờ miếu thổ thần.

Kiến trúc ngói âm dương ở chỗ nghỉ chân bên ngoài vườn
Kiến trúc ngói âm dương ở chỗ nghỉ chân bên ngoài vườn

Đi thẳng vào khuôn viên bên trái sẽ là một miếu thờ thổ thần nhỏ. Miếu thờ cao khoảng 1m, sơn mà xanh dương.

Miếu thổ thần bên trong khuôn viên nhà cổ Bình Thủy
Miếu thổ thần bên trong khuôn viên nhà cổ Bình Thủy

Bên trên cũng lợp mái ngói âm dương men xanh. Nhưng không mang nhiều tượng và họa tiết rườm rà như cổng tam quan.

Kiến trúc phần mái nhà cổ
Kiến trúc phần mái nhà cổ

Phía sau đó cũng có một hồ cá nhỏ. Ở giữa có một tượng cá chép ngoi đầu lên. Xung quanh hồ là vài tượng đất hình con cóc.

Hồ cá nhà cổ Bình Thủy
Hồ cá nhà cổ Bình Thủy

Đi thẳng tiếp vào bạn sẽ thấy vườn lan và xương rồng. Đặc biệt bên trong có cây xương rồng mexico cao khoảng 4-5m. Xung quanh cũng có để khá nhiều chậu hoa khác nhau.

Cây xương rồng mexico trong khuôn viên vườn
Cây xương rồng mexico trong khuôn viên vườn

Nếu bạn để ý hơn bức tượng theo chiều ngang của ngôi nhà đều có tượng những chú dơi sơn vàng trúc đầu xuống đất.

Bức tường ngăn giữa nhà cổ Bình Thủy và nhà hàng xóm
Bức tường ngăn giữa nhà cổ Bình Thủy và nhà hàng xóm

Bên dưới con dơi còn có 1 chữ Hoa.

Trên mỗi cột trụ tường có tượng 1 con dơi và ký tự chữ Hán
Trên mỗi cột trụ tường có tượng 1 con dơi và ký tự chữ Hán

Ở sân vườn có 7 bộ ghế ngồi bằng đá gắn liền với một lịch sử thú vị về nhà họ Dương.

Bên hông ngôi nhà còn có lối phụ đi thẳng vào bên trong. Ở cầu thang còn có tiêu ký hình ông Thọ.

Điêu khắc hình ông lộc
Điêu khắc hình ông lộc

Nhà chính nhà cổ Bình Thủy

Nhà cổ Bình Thủy có tông vàng là chủ đạo, nổi bật lên là các ô cửa sổ và cửa chính màu xanh dương (Cửa chính và cửa sổ thiết kế theo phong cách Art – Nouveau của phương Tây). Ở phía trước là những chậu hoa kiểng vừa tạo nét đẹp vừa che chắn không gian bậc thềm bên trong: Tùng, dương xỉ, phát tài,…

Kiến trúc ngôi nhà cổ Bình Thủy
Kiến trúc ngôi nhà cổ Bình Thủy

Bậc thềm cao hơn 0,5 mét. Để đi lên bạn cần đi vòng 2 bên (Không có cầu thang từ phía chính diện. Bên phải còn có một cửa phụ và bậc thang đi vào. Xây nhà trên cao là vì miền Tây hay bị ngập nước. Nhà được cất cao để tránh nước và côn trùng, động vật gây hại như chuột vào nhà.

Phía trên mái lợp ngói âm dương xanh (Tuy vậy bị ố màu vì lâu không ai lau chùi). Ở dưới mái có lớp máng để hứng nước mưa đọng xuống.

Phủ thờ của họ Dương tại Cần Thơ
Phủ thờ của họ Dương tại Cần Thơ

Phần trên cửa chính có trang trí các hoa văn. Trước 2 bên nhà có 2 cây đèn theo phong cách châu Âu.

Điêu khắc trước nhà cổ
Điêu khắc trước nhà cổ

Nhà chính bao gồm 5 gian nhà. Khác biệt với nhiều căn nhà thời kỳ đó là 3 gian, nhà cổ Bình Thủy phá vỡ quy tăc truyền thống đó.

Phía dưới sàn nhà tương truyền có một lớp muối hột lót dưới nền gạch bông.

Thủ pháp lót muối dưới gạch bông vừa xua đuổi côn trùng, mang sự thông thoáng ngôi nhà vừa tránh những tà vật xâm hại theo phong thủy. Xung quanh nhà đều là tường gạch, chỉ có những phú hộ giàu có mới xây nhà bằng tường những năm 1900 bấy giờ.

Ngôi nhà được nâng đỡ bằng 24 cây xà bằng gỗ quý (Gỗ căm xe). Ở giữa là bộ bàn thờ phủ họ Dương. Đây là một gia tộc lớn ngày xưa (Bạn có thể tìm hiểu thêm lịch sử nhà cổ Bình Thủy và nhà họ Dương bên dưới).

Khách du lịch khám phá nhà cổ Bình Thủy
Khách du lịch khám phá nhà cổ Bình Thủy

Góc bên trái là bộ tranh ảnh về đoàn làm phim từng quay bộ phim Người Tình (1992) của Pháp với 1 diễn viên người Pháp và Lương Gia Huy. Những lưu ký của đoàn diễn viên và đạo diễn viết cảm nghĩ về thời gian quay phim tại đây.

Người tình (tiếng Pháp: L’Amant) là một bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, với sự tham gia của các ngôi sao Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner. Bộ phim khởi quay tại Việt Nam vào năm 1986, hoàn thành năm 1990 và được ra mắt chính thức vào năm 1992. Thời gian hai năm đầu làm phim chỉ gồm công việc tiền trạm và thiết kế. Phim do hãng Cinematic Hongkong và Liên hiệp điện ảnh băng từ TP HCM làm dịch vụ. Cuối năm 1991, Người tình đã được công chiếu ở TP HCM.

Theo Wikipedia.org

Ngoài ra khu vực này treo một bức tranh lớn hình 3 chú hươu trong rừng. Cạnh đó cũng có vài bình gốm cỗ được trưng bài, những bức tranh về nhà cổ Bình Thủy trước đây được sưu tầm lại.

Ảnh những chú hươu được treo trong nhà
Ảnh những chú hươu được treo trong nhà

Bên trong gian nhà chính có tổng cộng 3 bộ bàn ghế khác nhau. Mỗi bộ bàn ghế có chức năng khác nhau. Một bộ dành để tiếp khách, một bộ dành cho gia đình ăn cùng nhau và một bộ để gia đình ngồi hội họp, bàn chuyện. Đặc biệt bộ bàn ghế lát cẩm thạch mang từ Vân Nam ở Trung Quốc về.

Bên trong không gian khá mát mẻ
Bên trong không gian khá mát mẻ

Góc bên phải là nơi treo những bằng khen, chứng nhận của nhà cổ Bình Thủy từ trước đến nay. Bên góc còn có một đồng hồ treo tường cổ, những bình gốm sứ lớn. Cạnh bên còn trưng bày một chậu rửa tay thời xưa khá Tây của gia tộc họ Dương sử dụng trước đây.

Chậu rửa tay nhập từ Pháp của nhà cổ Bình Thủy
Chậu rửa tay nhập từ Pháp của nhà cổ Bình Thủy

Trên trần nhà là những gạch bông cỡ lớn mang hoa văn màu vàng của hoa và xanh lá cây của lá khá trang nhã.

Gạch bông trang trí trên trần nhà
Gạch bông trang trí trên trần nhà

Đặc biệt là nhiều cặp đèn xưa khá tinh tế. Một bộ thể hiện hoa văn đặc trưng của người Hoa và được thiết kế riêng. Một bộ đèn chùm chỉ có trong những nhà quý tộc phương Tây trước đây.

Bộ đèn chùm nhập từ Pháp quý giá
Bộ đèn chùm nhập từ Pháp quý giá

Ngoài ra những đèn phụ được treo khá nhiều bên trên trần nhà. Chắc chắn trước đây nhà Bình Thủy của họ Dương luôn sáng đèn vào ban đêm và khá rực rỡ.

Một chiếc đèn cổ trong trong nhà
Một chiếc đèn cổ trong trong nhà

Đặc biệt từ trong nhà nhìn ra ngoài, trên trần nhà có trưng bày nhiều bộ dĩa sành sứ được thiết kế đặc biệt (Những tách chén được có thừ thời nhà Minh và nhà Thanh). Những họa tiết với bài thờ và đóng con dấu riêng. Không biết là được trưng bày từ xưa hay gần đây được người trong nhà trưng bày bảo quản riêng trên cao.

Một dĩa sứ cổ xuất xứ từ Trung Quốc
Một dĩa sứ cổ xuất xứ từ Trung Quốc

Ngoài ra ở giữa còn treo hình ông Dương Chấn Kỷ và hàng chữ Long Tuyền ở bên dưới. Vì ông là người đã đóng góp khá nhiều tiền cho việc xây dựng Long Tuyền Cổ Miếu (Hay còn được biết nhiều hơn với cái tên Đình Bình Thủy). Tham khảo thêm đình Bình Thủy:

Ở giữa nhà từ ngoài nhìn vào là bộ bàn thờ. Bên trên có bài vị, lư hương. Đặc biệt còn khá giống bàn thờ người Hoa là ở phần trên có để một bài vị chữ Hán lớn. Xung quanh là khung gỗ vàng với hình rồng, phụng, chim,… khá tỉ mỉ.

Bàn thờ nhà họ Dương
Bàn thờ nhà họ Dương

Trước bàn thờ là có khung gỗ với nhiều họa tiết trang trí tinh tế: phượng hoàng, cây hoa,… Ở giữa là ký hiệu chữ Hán và bên dưới là hình một con dơi (Người xưa, đặc biệt quan niệm Dơi là một trong những con vật linh thiêng phù hộ làm ăn. Hình con dơi treo ngược giống với chữ Phúc Đáo – Nghĩa là phúc đến nhà).

Biểu tượng con dơi mang phúc vào nhà
Biểu tượng con dơi mang phúc vào nhà

Nếu bạn để ý sẽ thấy nhiều họa tiết và những bức tượng đá treo khắp nhà. Từ những loài hoa lan, mai, cúc, sen,… đến những động vật như tôm, cua, phụng, rồng, dơi, công,…

Điêu khắc tỉ mỉ trên bức bình phong bằng gỗ
Điêu khắc tỉ mỉ trên bức bình phong bằng gỗ

Trong nhà lưu giữ nhiều cổ vật giá trị: những bình gốm, dĩa sứ từ Trung Hoa, bộ salon mang từ Pháp sang hay bộ bàn ghế lót đá cẩm thạch quý giá.

Bộ gốm sứ sưu tập ở nhà cổ Bình Thủy
Bộ gốm sứ sưu tập ở nhà cổ Bình Thủy

Ngăn cách nhà trước, nhà sau, nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người dân Việt ở Nam Bộ.

Trang trí bức hoành phi bằng gỗ
Trang trí bức hoành phi bằng gỗ

Riêng phần kiến trúc nhà chính không phải toàn bộ ngôi nhà Bình Cổ. Phía sau nhà là nơi ở của người dân. Phần kiến trúc bên phải bao gồm quán cafe Vườn Lan cũng thuộc về 1 bộ phận kiến trúc của nhà cổ. Nhìn hình ảnh từ flycam bạn sẽ thấy bên phải có một lầu kiến trúc giống hệt nhà cổ Bình Thủy.

Xem video khám phá chi tiết nhà cổ Bình Thủy và flycam:

Đặc biệt, phần kiến trúc của nhà cổ Bình Thủy nhìn khá giống với chùa Nam Nhã. Tìm hiểu thêm về nó: Khám phá kiến trúc đặc biệt chùa Nam Nhã.

Lịch sử nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ

Năm 1870 nhà cổ Bình Thủy được ông Dương Văn Vị xây dựng đơn giản bằng gỗ và lợp mái ngói. Ngôi nhà dùng để làm phủ thờ dòng họ Dương.

Chiếc đèn cổ treo trên trần nhà
Chiếc đèn cổ treo trên trần nhà

Năm 1900 gia tộc càng lúc càng phát triển, ông Dương Văn Vị có ý định xây dựng lại phủ thờ khang trang hơn.

Năm 1904 ông Dương Văn Vị (Thế hệ thứ 3 của họ Dương) mất, con ông là Dương Chấn Kỷ (Thế hệ thứ 4) tiếp tục thực hiện việc xây dựng phủ thờ lại.

Ông Dương Chấn Kỷ là người góp công xây dựng ngôi nhà này
Ông Dương Chấn Kỷ là người góp công xây dựng ngôi nhà này

Năm 1911 quá trình xây dựng nhà cổ Bình Thủy được hoàn thiện.

Bức tranh cổ về nhà cổ Bình Thủy
Bức tranh cổ về nhà cổ Bình Thủy

Năm 1980 ông Dương Văn Ngôn (Thế hệ thứ 5) bắt đầu có thú chơi hoa kiểng. Ông đã sưu tầm nhiều giống lan quý hiếm và nhiều hoa kiểng khác nhau trồng sau vườn. Sau này nhiều người gọi ngôi nhà với cái tên là Vườn lan Bình Thủy.

Năm 2009 phủ thờ họ Dương (Nhà cổ Bình Thủy) được bộ văn hóa, thể thao và du lịch cấp chứng nhận di tích cấp quốc gia.

BXH di tích quốc gia nhà thờ họ Dương
BXH di tích quốc gia nhà thờ họ Dương

Hiện tại chủ nhà họ Dương là thế hệ thứ 6.

Đó là bản tóm lược quá trình xây dựng nhà cổ Bình Thủy.

Bức phù điêu trên tường
Bức phù điêu trên tường

Những câu chuyện thú vị về nhà cổ Bình Thủy

Nhà cổ Bình Thủy được xem là 1 trong 3 ngôi nhà cổ đẹp và mang giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời tại miền Tây. Bên cạnh đó nó cũng mang câu chuyện sắc thái “liêu trai” và “phong thủy” với truyền kỳ nhờ Lỗ Ban phong ếm ngôi nhà. Hay câu chuyện đầy tính nhân văn về 7 bộ ghế đá. Và đặc biệt khi trở thành phim trường cho bộ phim Người Tình năm 1992.

Chờ đợi khách tham quan
Chờ đợi khách tham quan

Chuyện phong thủy Lỗ Ban ở nhà cổ Bình Thủy

Lỗ Ban được xem là bậc thầy phong thủy và mang nhiều thủ đoạn ghê rợn. Hiện nay vẫn nhiều người áp dụng phong thủy Lỗ Ban vào việc xây dựng.

Tương truyền ông Ba Nghĩa khi ấy là một bậc thầy phong thủy Lỗ Ban mà ai cũng biết đến. Người ta còn hay gọi ông với cái tên ông Lỗ Ban. Đặc điểm nhận dạng ông cũng khá thú vị. Khi ra đường ông đều quấn chiếc khăn điều đỏ trên đầu, bên hông luôn vắt một chiếc rìu và cây thước Lỗ Ban.

Vì danh tiếng của mình, bất kỳ ai xây nhà đều phải nhờ đến thầy Ba Nghĩa về thiết kế. Ông Dương Chấn Kỷ khi ấy cũng cho mời ông “Lỗ Ban” về nhà để thiết kế phủ thờ họ Dương. Tuy vậy ông đưa ra một điều kiện khác khi xây.

“Thầy xây nhà tôi đẹp rực rỡ hay lung linh hơn nhà khác thì cũng thường quá. Tôi muốn là thầy xây nhà sao cho nhà tôi làm ăn khấm khá và giàu lên hơn như thế này mới được.”

Lỗ Ban là đỉnh cao của phong thủy nhưng luôn là một con dao hai lưỡi. Nó tương tự chơi ngãi vậy, càng dùng nhiều càng cắn trả lại người dùng nhiều hơn. Thầy phong thủy Ba Nghĩa từ chối và nói rằng: “Khó nỗi cái nghề của tôi muốn gia chủ giàu thì mình phải cắn trả nghèo cùn nghèo mạt thì mới được.”

Lỗ Ban trước đây là một bậc thầy về nghề mộc ở Trung Quốc. Ông có tay nghề khéo léo cùng với khả năng phong thủy tuyệt vời. Những người làm nghề Lỗ Ban trước đây ở Việt Nam luôn là những bậc cao tay ấn về phong thủy. Nhưng tương truyền làm nghề Lỗ Ban cũng chịu cắn trả cực kỳ thảm khốc.

“Lỗ Ban trước đây là một bậc thầy về nghề mộc ở Trung Quốc. Ông có tay nghề khéo léo cùng với khả năng phong thủy tuyệt vời. Những người làm nghề Lỗ Ban trước đây ở Việt Nam luôn là những bậc cao tay ấn về phong thủy. Nhưng tương truyền làm nghề Lỗ Ban cũng chịu cắn trả cực kỳ thảm khốc.

Bạn phải nuôi một con ngãi, chuyên phục vụ cho mình. Quy luật của nó là cân bằng. Nếu gia hại người khác thì bạn sẽ tạo thói quen cho nó. Từ đó nó sẽ cắn trả lại người nuôi liên tục. Nếu người Lỗ Ban chết đi, nó sẽ lưu truyền theo huyết mạch. Hoặc nếu muốn làm giàu người khác, người Lỗ Ban cũng chịu phản ngược lại.”

Khi ấy ông Dương Chấn Kỷ cười rộ lên và bảo: “Thầy cứ việc làm cho tôi. Mỗi tháng tôi chu cấp cho thấy 1 đấu gạo và ba đồng bạc đến khi thầy qua đời.”

Ông Ba Nghĩa trầm tư suy nghĩ và đã đồng ý. Không biết có phải nhờ vào tài nghệ của ông không mà dòng họ Dương ngày càng phất lên giàu có. Nhà cổ Bình Thủy cũng là điển hình cho sự giàu sang phú quý của dòng họ Dương.

Khách du lịch tạo dáng chụp hình check in
Khách du lịch tạo dáng chụp hình check in

Phim trường bộ phim Người Tình (1992)

Bộ phim Người Tình của Pháp được chuyển thể từ tiểu thuyết ghi lại câu chuyện có thật. Đó là câu chuyện về chuyện tình cô thiếu nữ người Pháp và chàng trai Việt gốc Hoa giàu có ở Sa Đéc – Đồng Tháp.

Bộ phim đánh dấu sự bùng nổ về doanh thu và giải thưởng vào thời kỳ bấy giờ. Đặc biệt tài tử Hong Kong Lương Gia Huy là người đóng chính. Chắc chắn thế hệ trước sẽ biết về độ nổi tiếng của chàng tài tử hào hoa này.

Ban đầu nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đây là nơi thật sự diễn ra chuyện tình của 2 nhân vật chính trong phim) được chọn làm phim trường. Tuy vậy vì lý do lúc đó nó đang là một văn phòng hành chính của cơ quan nhà nước. Nên địa điểm được chuyển qua nhà cổ Bình Thủy.

Ngoài bộ phim Người Tình thì nhà cổ Bình Thủy còn là phim trường của nhiều bộ phim nổi tiếng khác như: Người đẹp Tây Đô, Nợ Đời.

Ba ngôi nhà cổ nổi tiếng ở ĐBSCL là: Nhà cổ Bình Thủy, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ Công Tử Bạc Liêu.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê Sa Đéc Đồng Tháp
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê Sa Đéc Đồng Tháp

Cây xương rồng giống mexico cao 7-8m.

Cây xương rồng giống mexico quý hiếm được xem là cây quý ở Vườn Lan Bình Thủy. Nó có 2 cây gồm 1 cây bên vườn cây và 1 cây bên khuôn viên quán cafe Vườn Lan cạnh nhà chính nhà cổ Bình Thủy. Trước đây quán cafe đó là một phần của nhà cổ Bình Thủy nhưng không được trưng dụng cho việc tham quan.

Cây xương rồng giống mexico ở cafe Vườn Lan cao khoảng 7-8m. Còn cây xương rồng bên vườn nhà cổ Bình Thủy thì cao khoảng 5-6m. Cả hai cây xương rồng đều có độ tuổi khoảng 40 năm.

Ngoài ra Nhà cổ Bình Thủy tên tiếng Anh là Binh Thuy ancient house. Các bạn có thể tìm thêm tư liệu tiếng Anh với cái tên đó.

Chuyện về 7 bộ ghế đá

Tháng 12 năm 1945 quân đội ta đụng độ quân thực dân Pháp ở Cần Thơ. Quân ta phục kích giết được nhiều sĩ quan cấp cao của Pháp. Tuy vậy chúng ta cũng hy sinh 7 vị chiến sĩ.

Khi ấy ông Dương Văn Ngôn cho xây dựng mới 7 bộ ghế đá mới mang hàm ý tưởng nhớ 7 vị chiến sĩ. Quân Pháp đến hạch sách thì ông bảo làm để tưởng nhớ 7 vị tiên hiền của Trung Quốc. Khi ấy bọn tay sai thực dân Pháp cũng không thể làm gì được ông.

Hãy cùng tôi bật mí bí kíp: Sách hướng dẫn du lịch Cần Thơ.