Hiệp Thiên Cung Cần Thơ là ngôi chùa Hoa hơn 170 năm lịch sử. Ngôi chùa không chỉ nổi tiếng về kiến trúc độc đáo, vẻ ngoài mang dấu ấn lịch sử đậm nét. Mà còn nổi tiếng về sự linh thiêng khi đến xin quẻ bói. Đặc biệt tác giả trong bài viết có đề cập đến việc cách xin quẻ, cúng đúng cách khi bước vào bên trong chùa. Hãy cùng tìm Miền Tây có gì tìm hiểu chi tiết về quy tắc 12 nén nhang và những điều thú vị về ngôi chùa này nhé!

Chiếc đèn cổ bên trong chánh điện Hiệp Thiên Cung
Chiếc đèn cổ bên trong chánh điện Hiệp Thiên Cung

Lịch sử Hiệp Thiên Cung

Khoảng thế kỷ 19, một nhóm người Hoa đến từ Triều Châu đã cho xây dựng Hiệp Thiên Cung. Đây được xem vừa là ngôi chùa duy trì hương khói tín ngưỡng, vừa là nơi hội họp của cộng đồng người Hoa lập nghiệp tại Cái Răng, Cần Thơ.

Năm 1856, cộng đồng người Hoa ở Cái Răng tu sửa và mở rộng ngôi chùa. Khi ấy, miếu đặt tên là 関公廟 – Quan Công Miếu.

Năm 1904, chùa được trùng tu và mở rộng thêm nơi thờ ông Phước Đức, bà Thiên Hậu. Chùa cũng chính thức đổi tên thành 合天宮 – Hiệp Thiên Cung.

Bảng hiệu chữ Hán Hiệp Thiên Cung trước chánh điện
Bảng hiệu chữ Hán Hiệp Thiên Cung trước chánh điện

Năm 1945 – 1954, chùa bị bỏ hoang vì chiến tranh.

Năm 1989, bạn quản trị chùa Hiệp Thiên Cung cho trùng tu lại và giữ nguyên kiến trúc đó đến ngày nay. Hiện nay ban trị chùa gồm 5 bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ và Việt

Ngày 14/4/2017, Hiệp Thiên Cung chính thức được công nhận là di tích Quốc Gia.

Bằng chứng nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia
Bằng chứng nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia

Kiến trúc Hiệp Thiên Cung

Chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ QUỐC (國). Chùa xây dựng mang nét ảnh hưởng lớn của các ngôi chùa Hoa của người Triều Châu.

Thiên Tỉnh (Sân trước chánh điện)

Cổng rào khá đơn giản là hàng rào sắt sơn đỏ. Trên cổng chùa treo bảng nhựa tên chùa bằng chữ Hán, phía trên có để số năm là 2020.

Trước chùa là khoảng sân rộng, gọi là Thiên Tỉnh. Ở giữa là một lư hương lớn và 1 cột cờ cao.

Lư hương bên ngoài chánh điện Hiệp Thiên Cung
Lư hương bên ngoài chánh điện Hiệp Thiên Cung

Kiến trúc bên ngoài Chánh điện Hiệp Thiên Cung

Chánh điện có 3 cổng vào, 2 bên hông và cửa chính ở giữa. Hai cột trụ trước cửa lớn dán 2 câu đối chữ đỏ bên trên. Hai bên có 8 tấm bảng lớn đề chữ lên (Mỗi bên 4 tấm).

Những biển hiệu chữ Hán
Những biển hiệu chữ Hán

Mái chùa được xây dựng từ mái ngói âm dương. Mỗi tấm gạch ngói đều có khắc hình hoa lên trên.

Kiến trúc ngói âm dương Hiệp Thiên Cung
Kiến trúc ngói âm dương Hiệp Thiên Cung

Ở giữa là biểu tượng lưỡng long tranh châu.

Mái ngói hiệp thiên cung
Mái ngói hiệp thiên cung

Ở các viền mái, đắp nổi các hoạ tiết trang trí: Nhật, Nguyệt, hoa, lá, chim muông, đa càng làm tăng thêm nét cổ kính cho ngôi chùa.

Ở trên mái còn 4 tượng nhỏ là Ông Nhật, Bà Nguyệt, Ông Thiện và Ông Ác.

Phần cửa chính có treo một phù điêu cỡ lớn. Bên trên là hình ảnh điêu khắc các hình ảnh hoạt động của những người Hoa trước đây. Sự liên kết với thần linh, sung túc, thịnh vượng thể hiện rõ trên phù điêu.

“Nghĩa Bỉnh Càn Khôn”, “Khí Tráng Sơn Hà”, “Thiên Cổ Nhất Nhân”… được chạm khắc rất tinh xảo, mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Hoa.

Phù điêu trước chánh điện Hiệp Thiên Cung
Phù điêu trước chánh điện Hiệp Thiên Cung

Hai bên treo 2 lồng đèn cỡ lớn. Ở giữa là bảng hiệu Hiệp Thiên Cung bằng chữ Hán (Bảng nền đen, chữ vàng).

Mỗi bên bức tường của cửa chính có 12 bức hình khác nhau trên các ô. Những hình ảnh về Quan Công, Tam Quốc, hình những việc làm, hình các con linh vật,…

Hình ảnh vẽ ở trước chánh điện
Hình ảnh vẽ ở trước chánh điện

Kiến trúc bên trong Chánh điện Hiệp Thiên Cung

Khi vừa bước vào bạn sẽ gặp khu vực để nhang đèn ở trước. Bên phải là các hình ảnh cũ và 1 trống, 1 chuông được lưu giữ lại.

Khu vực bên trong được thắp sáng bởi một giếng trời lớn. Ánh sáng tự nhiên chiếu thẳng vào khu vực đó và chiếu sáng khu vực thờ hơn.

Vật dụng bên trên bàn thờ
Vật dụng bên trên bàn thờ

Bên trong có nhiêu gian thờ phụng khác nhau (Bao gồm 9 lư hương được đặt bên trong, mỗi lư hương là 1 vị thần, thánh được thờ phụng).

Bàn thờ lớn bên trong chánh điện Hiệp Thiên Cung
Bàn thờ lớn bên trong chánh điện Hiệp Thiên Cung

Phía trên có 1 bảng hiệu đề chữ Hán là 汽 壯 山 河 (Khí Tráng Sơn Hà) và 1 đèn cổ.

Bức hoành phi Khí Tráng Sơn Hà bằng chữ Hán bên trong chánh điện
Bức hoành phi Khí Tráng Sơn Hà bằng chữ Hán bên trong chánh điện

Gian thờ chính giữa bên trong là Quan Thánh Đế Quân (Hai bên là Quan BìnhChu Thương).

Bàn thờ Quan Thánh Đế Quân
Bàn thờ Quan Thánh Đế Quân

Đặc biệt trên án thờ có cả tượng ngựa Xích Thố.

Ngựa xích thố được thờ bên trong
Ngựa xích thố được thờ bên trong

Bên trái là bàn thờ Ông Bổn.

Bàn thờ Ông Bổn Hiệp Thiên Cung
Bàn thờ Ông Bổn Hiệp Thiên Cung

Bên phải là bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Bàn thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu
Bàn thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu

Phía trước bàn thờ Quan Công là một bàn thờ lớn. Ở giữa có bộ lư đồng cổ thếp vàng, chữ đỏ.

Bộ lư đồng trên bàn thờ Hiệp Thiên Cung
Bộ lư đồng trên bàn thờ Hiệp Thiên Cung

Cách cúng và xin xăm

Mình được sự hướng dẫn của người quản lý Hiệp Thiên Cung. Khi bước vào chánh điện, nhang đèn sẽ được để bên tay phải cổng vào bên trong.

Dụng cụ xin xăm
Dụng cụ xin xăm

Bạn sẽ thấy một bó nhang nhỏ được bó lại bao gồm 12 cây. Đó là tổng số lượng 12 lư hương của Hiệp Thiên Cung: 9 bên trong và 3 bên ngoài (Ngay lư hương giữa sân và 2 ở trước cổng). Trước khi xin xăm hoặc cầu khấn, bạn cần thắp đủ 12 cây nhang bên trong và ngoài ở các lư hương.

Bạn chỉ có 3 lần xin quẻ (Nếu tất cả thất bại thì không được xin tiếp nữa). Sau đó bạn sẽ lại bàn đọc số xăm và xin giải thích.

Người dân xin xăm tại Hiệp Thiên Cung
Người dân xin xăm tại Hiệp Thiên Cung

Đường đi Hiệp Thiên Cung

Hiệp Thiên Cung nằm ngay trong chợ Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 7km.

Địa chỉ: 29 Hàm Nghi, Lê Bình, Cái Răng, Cần Thơ.

Google Maps: https://goo.gl/maps/eEjjTawweB5KJxwT9

Những lễ hội lớn ở Hiệp Thiên Cung

Hàng năm ở Hiệp Thiên Cung đều tổ chức nhiều lễ hội khác nhau.

Giao thừa

Lễ hội được tổ chức vào dịp mồng 1 Tết nguyên đán.

Nghi lễ gồm: dâng sớ, đốt nhang, lên đèn; đánh 3 hồi chuông trống để đón mừng giao thừa. Lễ vật chính là hoa tươi – để cho bà con đến chiêm bái và hái lộc. Lễ đón giao thừa có ý nghĩa tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, cầu mưa thuận, gió hoà, quốc thái dân an…

Họp mặt đầu năm

Lễ hội được tổ chức vào mùng 2 Tết âm lịch. Chùa sẽ tổ chức họp mặt bà con trong vùng đến ăn mừng năm mới. Mọi người sẽ cùng chúc Tết, lì xì cho con cháu,…

Nghi lễ đơn giản hơn lễ đón giao thừa, chỉ dâng nhang, lên đèn. Sau đó, mọi người cùng nhau ăn bánh, kẹo, uống trà, cùng chúc mừng năm mới. Ban quản trị chùa trao tặng cho mọi người có mặt bao “lì xì” mừng tuổi.

Bàn thờ nhỏ bên trong
Bàn thờ nhỏ bên trong

Nguyên tiêu

Lễ hội tổ chức vào rằm tháng giêng âm lịch. Lễ hội cầu khấn gia đạo bình an, vùng đất được mưa thuận gió hòa.

 Lễ Nguyên tiêu được tổ chức gồm hai phần Lễ và Hội:

+ Phần Lễ: đúng 9 giờ sáng ngày rằm, toàn Ban quản trị chùa tiến hành dâng sớ, thắp nhang, đèn cúng khai lễ. Sau đó bà con dân phố và trong khu vực ăn mặc đẹp đến thắp nhang viếng “Ông” trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

+ Phần Hội: Theo tập tục ngày này hằng năm, chùa tổ chức cho bà con vay “tiền” của “Ông” (vay phú) để làm vốn, làm giàu; vay “đại kiết” (trái quýt) cầu kiết tường; vay “kim huê” (mão giấy) cầu công danh; vay “nhang” cầu sung túc… Hiện nay chỉ còn lại tục cho vay “tiền”. Thời gian bắt đầu từ 7 giờ tối đêm Rằm tháng Giêng. Sau việc phát vay tiền, tiếp tục tổ chức đấu “Thánh đăng” (đèn lồng) – đấu Thánh đăng hình thức giống như đấu giá, tiền đấu được đem bổ sung vào công quỹ của chùa. Khoảng 9 giờ tối, lễ ngắm trăng, chiêm ngưỡng lồng đèn được tiến hành bằng các tổ chức hội thi đoán câu đố vui và giải câu đối. Các câu đố, câu đối được treo trên các lồng đèn trước sân chùa. Ai bắt và trả lời được câu đố hoặc giải được câu đối thì sẽ được quà thưởng.

Lễ vía bà Thiên Hậu Thánh Mẫu

Lễ hội tổ chức vào 23/3 âm lịch hàng năm.

Đúng 9 giờ sáng tiến hành dâng sớ, dâng nhang, lên đèn, đánh 3 hồi trống chuông cúng khai lễ. Vật lễ cúng (không thể thiếu) gồm: heo quay, bánh bao, bánh hồng đào, mâm ngũ quả, hoa tươi, trà, rượu, nhang, đèn cầy.

Lễ vía Ông

Lễ hội tổ chức trong 3 ngày từ 12/5 – 14/5 âm lịch hàng năm. Đây được xem là lễ hội quan trọng nhất của Hiệp Thiên Cung.

+ Phần Lễ: đúng 9 giờ sáng tiến hành dâng sớ, dâng nhang, lên đèn, đánh 3 hồi trống chuông cúng khai lễ. Tiếp theo, mở nhạc hoà tấu để kết thúc phần nghi lễ. Lễ vật cúng gồm: heo quay (nguyên con), bánh bao (không nhân), bánh hồng đào (trường thọ), mâm quýt (đại kiết), hoa tươi… được bày trang trọng trên bàn ở giữa gian thứ 5. Điểm đặc biệt lưu ý, trong ngày lễ này tuyệt đối không được cúng thịt gà, thịt bò.

+ Phần Hội: chùa rước đoàn hát Triều Châu (hát Tiều) về biểu diễn. Đoàn hát hát cả ngày lẫn đêm cúng “Ông” và cho bà con trong khu phố xem. Đồng thời tạo bầu không khí vui tươi phấn khởi trong ngày lễ vía. Buổi hát bắt đầu từ sáng ngày 12 đến hết ngày 14 tháng 5.

Bảng hiệu Hiệp Thiên Cung bên trong chánh điện
Bảng hiệu Hiệp Thiên Cung bên trong chánh điện

Lễ Vu Lan

Tổ chức vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm.

Trước cửa chùa dựng cặp phướn cao 3 m (một đỏ bên phải, một xanh bên trái theo hướng từ ngoài nhìn vào). Bên trong chùa, lập thêm nhiều bàn thờ: bàn thờ Phật, bàn thờ ông Tiêu, ông Hộ, thờ quá cố tiền nhân – bá tánh, thờ chiến sĩ trận vong, thờ thập phương cô hồn. Đúng 7 giờ tối ngày 16 âm lịch tiến hành khai lễ. Sau phần dâng sớ, dâng nhang đèn và 3 hồi trống chuông, mời Pháp sư tụng kinh cầu siêu, cầu an cho đến 10 giờ kết thúc. Đúng 9 giờ sáng ngày 17 cử hành lễ chính. Pháp sư tiến hành tụng kinh lần thứ 2 cho đến giờ Ngọ – và làm lễ phóng tiêu, kết thúc phần kinh tụng. Sau lễ phóng tiêu, Ban quản trị chùa cho tổ chức “thí giàn” trước sân chùa, kết thúc buổi lễ.

Lễ Trùng Quang

Lễ hội tổ chức vào ngày 10/11 âm lịch hàng năm. Lễ hội tổ chức tương tự ngày lễ vía.

Chiếc lồng đèn lớp Hiệp Thiên Cung
Chiếc lồng đèn lớp Hiệp Thiên Cung

Lễ cúng bình yên

Thời gian tổ chức không ấn định cụ thể, thời gian trước ngày 23/12 âm lịch. Lễ hội xem như tổng kết 1 năm, dâng lễ thần linh vì đã phù hộ 1 năm bình yên.

 tổ chức phần lễ và nghi lễ, vật cúng cũng giống các ngày lễ khác trong năm, kết thúc buổi lễ có mở thêm nhạc hòa tấu. Thời gian bắt đầu cũng từ 9 giờ sáng và kết thúc vào buổi trưa cùng ngày.

Hàng năm vào các dịp lễ hội, chùa cũng thường xuyên phát gạo giúp đỡ những bà con xung quanh.

Những ngôi chùa ảnh hưởng từ người Hoa tại Cần Thơ: