Chợ nổi Long Xuyên là trung tâm chợ đầu mối trên sông khá thú vị của An Giang. Đặc biệt ngay gần trung tâm chợ hình thành Làng nổi Long Xuyên khá đẹp. Hãy thử trải nghiệm khám phá 1 buổi họp chợ sầm uất, khung cảnh buôn bán ngay trên ghe đầy lạ lẫm nhưng đậm nét văn hóa miền Tây. Tuy không quá nổi tiếng như những khu chợ nổi khác. Nhưng hãy cùng Miền Tây có gì tìm hiểu những nét đặc trưng lạ lẫm và nhưng hướng dẫn kinh nghiệm du lịch Chợ nổi Long Xuyên từ A-Z.
Cách đi Chợ nổi Long Xuyên từ bến tàu
Chợ nổi nằm cách trung tâm thành phố Long Xuyên chỉ khoảng 2km. Bạn có thể dễ dàng đi tàu thuyền từ bến đò ngay trung tâm thành phố với 5 phút đường tàu. Đa phần đều lựa chọn đi từ bến phà Ô Môi.
Đường đi đến bến tàu chợ nổi Long Xuyên
Bến tàu chợ nổi nằm gần phà Ô Môi. Bến phà chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 2km, nằm gần sát chợ Long Xuyên, ven sông Hậu.
Địa chỉ: Bến phá Ô Môi, Phan Huy Chú, Mỹ Long, Tp. Long Xuyên, An Giang.
Google Maps: https://goo.gl/maps/ad1TAy4q5MzZMZAP8
Giá thuê tàu chợ nổi Long Xuyên
Giá thuê tàu đi chợ nổi Long Xuyên: 150.000đ – 200.000đ thuê khoảng 2 tiếng. Admin đi 5 người và chỉ tốn 150.000đ cho cả tàu. Nếu đi đoàn 7-8 người tàu lớn hơn là 200.000đ.
Đặt tàu đi chợ nổi Long Xuyên
Một số chủ tàu nhận chở đi tham quan chợ nổi.
- Chú Ba Đò: 0932944419.
- Anh Điền: 0948 638 245.
- Cô 8: 094 801 6031.
- Anh Vàng: 033 5300 624.
Đi Chợ nổi Long Xuyên mấy giờ là đẹp?
Thời gian hoạt động của chợ nổi ở thành phố Long Xuyên từ 5h00 sáng đến 10h30 là tan tầm. Tuy vậy thời điểm đẹp nhất vẫn là vào khoảng 6h00 sáng. Thời gian đó bạn vừa có thể đón bình minh vừa khám phá được buổi họp chợ của các tiểu thương trên ghe thuyền.
Những điều thú vị
Theo kinh nghiệm du lịch chợ nổi Long Xuyên của mình thì có những đặc trưng thú vị này. Đừng bỏ lỡ những điều này khi đến tham quan nhé!
Khám phá nét đẹp văn hóa họp chợ miền sông nước bình dị
Chợ nổi Long Xuyên không quá nhiều ghe thuyền neo đậu như chợ nổi Cái Răng. Nhưng đó lại là nét thu hút riêng của nó vì bạn tránh được nét xô bồ của khung cảnh bị du lịch hóa. Khu vực này chỉ khoảng hơn 100 ghe thuyền neo đậu. Ngồi thuyền nhỏ, khẽ lướt qua các thuyền tiểu thương. Bạn dễ dàng hòa nhập, hỏi han về cuộc sống hay chụp những bức hình khác nhau.
Chợ nổi là nét văn hóa khá thú vị của ĐBSCL, một vùng đất được biết tới với những con sông ngòi chằng chịt. Nơi đây người dân giao thương bằng đường thủy dễ dàng hơn đường bộ (Trước khi nhiều loại xe máy, xe tải và những con đường bắt đầu phát triển). Người dân đôi khi neo đậu tại bến tàu 10 ngày, nửa tháng là chuyện bình thường. Họ bán sỉ nông sản, trái cây trên thuyền. Những thương lái nhỏ sẽ đi thuyền nhỏ ra mua và chở ra chợ sỉ và lẻ trên đất liền. Vì vậy lúc nào chợ nổi cũng họp chợ khá sớm từ khoảng trước 5h00 sáng.
Tha hồ lựa chọn trái cây giá rẻ
Không như chợ nổi Cái Răng (Trái cây bán lẻ ở đó mắc hơn 1 số nơi trên đất liền), trái cây ở chợ nổi Long Xuyên khá rẻ. Vì vậy bạn tha hồ lựa chọn và thưởng thức rất nhiều loại trái cây bày bán trên ghe. Những loại trái cây đa phần bán tùy theo mùa vụ: khóm, cam, dừa, mận, mít,…
Thử trải nghiệm ăn sáng trên ghe thuyền
Tương tự chợ nổi khác, tại đây cũng có một vài ghe thuyền phục vụ ăn sáng, cà phê sáng di động. Di động ở đây là vì đó là những cửa hàng được thế kế đơn giản ngay trên ghe. Bạn có thể thử uống cà phê luôn được đun sôi trên các siêu nước tại đây. Hoặc trải nghiệm ăn bún riêu, bún xào ngay trên chợ nổi.
Tuy hương vị đồ ăn sáng không quá nhiều khác biệt trên đất liền. Nhưng việc ngồi ăn trên cái chông chênh của con thuyền và khung cảnh chợ nổi buổi sáng cũng rất thú vị.
Nếu ăn bún xào thì đơn giản rồi. Nhưng thử tô bún riêu nước nóng mà thuyền cứ lắc lư qua lại, không cẩn thận 1 tí là nước nóng văn khắp lên người.
Mẹo: Bún xào ở chợ nổi Long Xuyên là món ăn được đánh giá cao nhất. Ăn bún này cũng dễ hơn và tránh sự cố khi ăn trên ghe thuyền nữa.
Khám phá câu chuyện cây bẹo
Cây bẹo là điều đặc trưng thú vị ở nhiều chợ nổi khác nhau ở miền Tây. Người ta thường bảo vui việc treo cây bẹo là hình thức Marketing đầu tiên tại miền Tây. Vì trước đây chợ nổi luôn tấp nập ghe thuyền qua lại. Khi ấy người ta không thể phân biệt được ghe nào bán hàng gì, khi đến gần thì khá khó khăn tách ra hay tìm kiếm. Vì vậy người ta treo nông sản mà mình đang bán lên cây bẹo. Từ xa người mua hàng có thể trông thấy và đưa ghe thuyền lại mua thứ mình cần.
Bạn đã hiểu rất nhiều về chợ nổi Long Xuyên? Nhưng về khu chợ nổi lớn nhất miền Tây – Chợ nổi Cái Răng thì như thế nào? Thử chơi trò chơi kiểm tra kiến thức: Trắc nghiệm Chợ nổi Cái Răng.
Có nên đi tour tham quan?
Câu trả lời là KHÔNG! Vì chợ nổi khá nhỏ, bạn chỉ cần thuê ghe thuyền của người dân tùy theo nhóm người. Nếu chỉ đi 1 người có thể đi ghép hoặc tự trao đổi giá riêng với người lái thuyền. Bạn có thể dễ dàng khám phá và không cần điều chỉnh nhịp độ theo hướng dẫn viên.
Ngoài ra mỗi người lái tàu ở chợ nổi cũng là một Hướng dẫn viên bản địa tuyệt vời đấy. Ban chỉ cần một chút lịch sự và thân thiện là họ sẽ cho bạn biết thêm rất nhiều điều thú vị.
Khách du lịch nói gì về chợ nổi Long Xuyên
Đánh giá riêng tác giả bài viết này là 3/5: Nếu bạn là người quê ở miền Tây để quá quen những nét sống sông nước hay từng đi chợ nổi Cái Răng; thì việc khám phá chợ nổi LX sẽ có phần tẻ nhạt hơn. Tuy hiện nay chợ nổi LX có phần hơi đông đúc hơn so với 1,2 năm về trước nhưng nó vẫn còn ít ghe thuyền. Một nơi đến không quá tệ nhưng cũng không được Miền Tây có gì đánh giá quá cao.
Bạn Bảo Quốc Lê đánh giá 5/5: “Một trong những điểm độc đáo của ĐBSCL nói chung và Long Xuyên, An Giang nói riêng mà bạn không nên bỏ qua đó chính là làng bè nổi. Đây là nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước Nam Bộ. Xuồng, ghe là những phương tiện di chuyển chủ yếu trên sông nước của các gia đình ở làng nổi này.”
Bạn Nguyen Anh Thy đánh giá 4/5: “Chợ nổi LX không có gì đặc sắc, chỉ vài ba chiếc ghe chở nông sản ra chợ. Phải đi xuống đến chợ Cái Sao mới có nhiều ghe thuyền nhộn nhịp qua lại. Muốn tham quan chợ nổi đơn giản là thuê một chiếc ghe bởi vì ở đây không có tour khám phá sông nước như ở Cái Răng.”
Bài viết có những đóng góp từ hình ảnh flycam của Nhiếp ảnh gia Trịnh Cường.
Tìm hiểu về địa điểm du lịch nổi tiếng khác của An Giang: Rừng tràm Trà Sư.